Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

TPO - Ngày 12/8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có danh mục Tri thức dân gian - Tri thức may, mặc áo dài Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Minh chứng về sự phát triển của trang phục Việt

Theo TS. Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên-Huế, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân (Huế ngày nay), chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục.

Thời điểm đó, chiếc áo dài được trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa.

Một lễ hội áo dài tại Huế.

Năm 1802, vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước, từ đó chiếc áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Cũng theo TS. Phan Thanh Hải, sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa, giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng đất khác.

Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.

Nhiều người tại Huế chọn áo dài làm trang phục thường xuyên của mình.

Áo dài cũng là minh chứng cho sự phát triển của trang phục Việt Nam, đồng thời cho thấy quá trình hội nhập và cả sự tác động của khoa học công nghệ dệt đã tạo nên sự đa dạng về chất liệu vải, màu sắc và họa tiết hoa văn phong phú, cũng như nguyên phụ liệu quan trọng trong ngành thời trang.

Vì thế, áo dài Huế không đơn thuần chỉ là những thiết kế mang giá trị truyền thống như ngày trước.

Áo dài ngày nay đã trở thành đối tượng tạo ra sự cảm hứng trong nghệ thuật thiết kế giàu tính sáng tạo nghệ thuật phù hợp với tư duy mang dấu ấn cá nhân, thể hiện quan niệm thẩm mỹ độc lập.

Phát triển thương hiệu Huế - kinh đô áo dài

Tại kỳ Festival Huế năm 2002, lần đầu một lễ hội về áo dài đã được tổ chức. Từ đó đến nay, các lễ hội áo dài đã diễn ra thường xuyên tại những sự kiện văn hóa.

Trình diễn áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ Festival quốc tế Huế 2024.

Nhờ đó, công chúng biết đến vẻ đẹp của áo dài nhiều hơn. Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hòa của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là sản phẩm văn hóa, hướng đến là sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc để phục vụ du lịch.

Đáng chú ý, tháng 3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt đề án Huế - kinh đô áo dài, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế.

Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài.

Hoạt động quảng bá áo dài Huế.

Thừa Thiên-Huế hiện thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng cho vùng đất này.

Với giá trị tiêu biểu, Tri thức may, mặc áo dài Huế đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.