Trí thức cách mạng giữa Sài Gòn- Kỳ 2: Bạn đồng tuế đáng kính

TP - Đồng tuế (1941). Khi tôi vào Đại học sư phạm Hà Nội (1960) chị Bảy Yến đã hoạt động và bị địch bắt lần 1 lúc đang làm giao liên đưa đón cán bộ trong nội thành Sài Gòn. Cùng bị nhốt, đánh với chị Dương Quỳnh Hoa, chị Bình Minh… không khai báo, không có chứng cớ buộc tội nên tra khảo mãi, 4 tháng sau chúng đành thả.
Nhà in bí mật Trí thức mới

Bảy Yến - Cánh én báo Xuân

Lần thứ 2 (1968), dưới vỏ bọc chở bột gạo lứt Bích Chi để phân phát báo Trí thức mới của Ban Trí vận (BTV) thì chị bị bắt. Chúng chở về đại lí, kiểm tra hộ khẩu, lục soát nhà. Nhờ có căn hầm bí mật ẩn sau một  bức tường hai vách mà địch không bắt được ông Tạ Bá Tòng, Thành ủy viên, Trưởng BTV Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ). Tất nhiên, điều cốt yếu là Huỳnh Hồng Châu (Bảy Yến) không khai báo, dù địch nhốt ở Tổng nha Cảnh sát (CS) tra tấn đủ kiểu mà phổ biến là treo ngược lên đánh. 6 tháng sau chúng đành thả.

Lần thứ 3 (1970) trên đường đưa ông Nguyễn Duy Cương (sau là thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLT CHMN VN) vào nội đô trót lọt. Sau Mậu Thân địch phản kích mạnh, cơ quan phải tạm lánh sang Campuchia trên đường về nội đô bị chỉ điểm, chúng bắt được mấy người. May là nó không biết mặt chị nên không thể kết tội ngay được. Nhưng già đòn, non nhẽ. Lần này địch trói chị trên một tấm ghế băng, tống nước vào mồm. Đầy một bụng nước. Tiết trời tháng 11/1970 lạnh cóng. Chúng lại đốt… hai đầu vú, hai gan bàn chân. Chị ngất đi…

Chết đi sống lại mấy lần chị vẫn không khai. Với phương châm của địch là thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót. Cả một cơ sở in 8 người, người đánh máy, quay rônêô, in lưới, sau này in cả typo. Chỉ hai người bí mật, còn đều vừa có vỏ bọc hợp pháp công khai vừa làm nhiệm vụ bí mật.

Nhà in nằm trong ngõ hẻm. Đấy là nhà trệt kiểu cổ lợp ngói âm dương, phía trước có vườn cây xanh. Căn hầm bí mật đặt máy in được xây phía sau căn thờ cúng của chủ nhà. Phía trước nhà, là chỗ dạy học tư của thầy giáo Nguyễn Văn Xô (cũng là cán bộ ta) thuê làm bình phong che chắn. Xung quanh có nhiều gia đình quần chúng tốt sẵn sàng bảo vệ. Thế nên cơ sở in số 3 này (một trong 3 cơ sở in) hoạt động suốt từ năm 1971 đến 30/4/1975 vẫn an toàn.

Sự an toàn ấy quan trọng nhất là nhờ các đồng chí làm việc ở đây một lòng kiên trung như Bảy Yến, như nhiều đồng chí khác bị bắt đều không khai. Chỉ 10 ngày trước giải phóng, Trần Kim Thảo bị bắt cũng không khai khi trong hầm Tạ Bá Tòng và Lâm Văn Phát vẫn nín thở nghe ngóng. Đó là di tích Cách mạng hiện ở hai số nhà 18/2, 18/3 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, TPHCM.

BTV có 3 cơ sở in bí mật in các tạp chí bản tin: Trí thức mới, rồi Trung lập, sau đổi thành Quyết Thắng, rồi lại thành Sài Gòn vùng lên, rồi cả Phụ nữ. Trong lòng địch, những tờ báo, bản tin lưu hành bí mật này góp phần giữ vững niềm tin cho quần chúng tốt, phổ biến kịp thời diễn biến tình hình góp phần không nhỏ vào thành công của BTV.

Đấy là chuyện về sau. Còn Bảy Yến sau khi bị bắt bị chúng đày ra Quy Nhơn (nam giới thì bị đày ra Phú Quốc). Năm 1972 ta đánh dữ ở chiến dịch đường 9 Nam Lào, ở Quảng Trị, chúng lại đưa tù binh về Hố Nai (Biên Hòa). Chúng dụ chị chiêu hồi sẽ thả ngay. Nhưng không...

Rồi ngày Mỹ cút cũng đến.

Bảy Yến nhớ một ngày tháng 3/1973 - được trao trả tù binh ở Lộc Ninh. Nữ tù binh được trao trả trước. Còn gì hạnh phúc hơn được trở về trong vòng tay ấm áp của đồng đội khi mình vẫn một lòng kiên trung son sắt với Đảng. Tháng 10 năm sau chị lập gia đình với anh Lê Quang Đức ủy viên Ban Binh vận khu SG-GĐ. Tất nhiên vẫn sống theo khẩu hiệu trong “phòng cưới” ở R như thời chống Pháp: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ.

Chia tay bạn đồng tuế, hẹn gặp lại người bạn 50 tuổi Đảng mà tôi rất kính nể giữa Sài Gòn.

Tiếng phong cầm Sài Gòn giữa Hà Nội

Không thể tưởng tượng người phụ nữ ôm phong cầm, say sưa kéo  Tiếng gọi Thanh Niên, Khải hoàn ca, Ngày mai tươi sáng… làm lồng ngực mấy chục người trong đoàn và cả những người xung quanh cùng rộn ràng nhịp đập thời thanh niên sôi nổi lại là bà lão người Sài Gòn 85 tuổi. Đó là bà Bình Minh.

Càng ngạc nhiên hơn khi biết ban đầu bà từng học piano với bà Thái Thị Lang (dì ruột danh cầm Đặng Thái Sơn) và cùng với các ông: Nguyễn Phụng, Nguyễn Hữu Ba, Võ Đức Thu sáng lập ra trường Quốc gia Âm nhạc Việt Nam ở Sài Gòn (1956). Tôi sửng sốt đến nỗi phải quay sang nhìn, khi bà nói là chị ruột Bình Thanh, Bình Trang, mà Bình Trang là người vợ đầu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi). Mối tình đẹp như mơ của họ, vì hoàn cảnh đất nước chia cắt và nhiệm vụ tổ chức giao cho đã trở thành bi kịch gia đình. Nhưng bi kịch ấy không hằn dấu vết gì trên những trang viết của ông. Văn vẫn cứ trong sáng, lạc quan tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh” trong Người mẹ cầm súng, Khi mẹ vắng nhà, Ở xã Trung Nghĩa... Trước khi hy sinh, ông kịp để lại trong lòng bạn đọc, nhất là trong giới nhà văn một nỗi tiếc thương vô hạn của một nhà văn đang khai hoa kết trái.

Chị Bình Trang ra Bắc, được cử đi Liên Xô học âm nhạc cũng vẫn sống tiếp một mình (cho đến giờ), thành người nữ chỉ huy dàn nhạc đầu tiên nước ta, và nuôi cháu Trang Thu (con đẻ của Nguyễn Ngọc Tấn) thành đạt. Người bố của đứa con trai (em Trang Thu) cùng ở lại hoạt động bí mật sau giải phóng cũng đã mất. Đứa con ấy cũng không còn.

Chính bà Bình Minh, vừa hoạt động trong giáo chức SG-GĐ, vừa nuôi Trang Thu để em rảnh tay, yên tâm đi học thành tài. Còn mình thì vẫn ở lại nội đô vừa học lấy bằng Tiến sĩ địa lí, vừa dạy địa lí ở các trường ĐH Văn khoa, ĐHSP, ĐH Nông lâm… ; dạy ký xướng âm và tâm lí âm nhạc ở Quốc gia Âm nhạc, Kịch nghệ Sài Gòn.

Dạy nhiều nhưng chỉ thỉnh giảng, không là công chức chính ngạch nên dạy giờ nào hưởng tiền thù lao giờ ấy và vẫn không ngừng hoạt động cách mạng trong cái vỏ bọc ấy. Cho đến một lần đi chấm thi, vừa trong xe ra liền bị bắt vào bót Ngô Quyền (quận 5). Bà đã ngồi tù gần 18 tháng... Địch thì cần moi bí mật, quyền lực lại trong tay, chỉ có cách đánh cho ra bí mật. Nhưng vẫn không moi được gì. Thế nên hôm nay bà và các bạn mới được mời thăm Hà Nội.

Tôi vẫn không hết ngạc nhiên khi biết thân phụ bà - Kỹ sư Nguyễn Văn Đức là đồng hương, đồng môn, được bác Tôn Đức Thắng giác ngộ cách mạng. Khi bác Tôn bị đày ra Côn Đảo, cụ vẫn thường xuyên chăm sóc gia đình bạn. Thân phụ cùng các cộng sự thân tín thành lập hội Đức-Trí- Thể dục giúp đỡ HS, SV hoạt động văn hóa xã hội, chính trị mà nòng cốt là nhóm Huỳnh - Mai - Lưu (Huỳnh Văn Tiểng - Mai Văn Bộ - Lưu Hữu Phước) và Trần Văn Khê. Người Sài Gòn vẫn nhớ buổi trình diễn tại nhà hát lớn Sài Gòn (1941) của dàn nhạc thiếu nhi mà Bình Minh (10 tuổi, chơi phong cầm), và nhạc sĩ Trần Văn Khê (mới mất) là người chỉ huy. Đến khi bài Tiếng gọi Thanh Niên tấu lên, nhạc trưởng đề nghị mọi người đứng dậy. Cả người Việt lẫn người Pháp đều đứng dậy. Trong âm hưởng trầm hùng, lay đọng ấy.

Cho mãi đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã qua, cây đàn phong cầm trên đường ra Bắc (qua đường Campuchia) Bình Trang mua ở Phnômpênh mang sang Liên Xô, lại cùng chị trở về Nam. Giờ chị gái Bình Minh vẫn dùng nó trong các cuộc họp mặt. Đặc biệt có mặt ở đài tưởng niệm Khâm Thiên. Giai điệu Hồn tử sĩ cất lên để tưởng nhớ hàng trăm đồng bào đã ngã xuống khi giặc rải thảm B52 dịp Noel 1972.

Không thể không nói thật

Ngay khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã được nhiều nước công nhận, trong đó có Pháp. Đến lúc ta đặt được cơ quan đại diện tại Paris thì các bà Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Chơn và một chị làm Trưởng văn phòng đại diện đã có mặt.

Tháng 6/1969, Chính phủ CMLT CHMN VN ra đời, bà Bình trở thành Bộ trưởng Ngoại giao. Bà Chơn làm phiên dịch.

Mặt trận quân sự bị ta đánh rát, Mỹ thấy không thể thắng được, phải tính đến nước rút quân trong danh dự. Cuộc đàm phán 4 bên ở Paris bắt đầu. Sau thất bại trong trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris rút quân khỏi Việt Nam.

Bà Bảy Yến với tác giả.

Từ khi đặt Văn phòng đại diện, Mặt trận đã bắt đầu mở mặt trận ngoại giao, tranh thủ dư luận thế giới ủng hộ, phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Mặt trận vận động Việt kiều ủng hộ, trong đó có việc vận động trí thức về Sài Gòn hoạt động.

Nhiều người đã rời bỏ công việc ổn định, cuộc sống sung túc giữa Paris hoa lệ về. Phạm Trọng Quy (sinh năm 1938) là một trong 11 trí thức nòng cốt hồi ấy về Sài Gòn.

Năm 1955, ông Quy sang Pháp học tiếp Trung học, rồi Đại học, trở thành kĩ sư thăm dò dầu mỏ. Công việc ổn định, vừa đi làm vừa học lấy bằng thạc sĩ ở Paris. Học giỏi nên lại vừa đi làm vừa học Tiến sĩ. Còn đang dang dở thì Mặt trận vận động về dạy ĐH KH tự nhiên để có vỏ bọc hợp pháp hoạt động dưới sự lãnh đạo của BTV. Không tính toán hơn thiệt, ông đồng ý liền. Định về ngay, nhưng bà Bình gàn, để Sài Gòn hạ màn kịch bầu tổng thống xong đã. Thế nên 10/1971 mới về nước.

Vừa về nước ông đã được bầu là thành viên Tiểu ban Trí vận- BTV- Mặt trận khu ủy Sài Gòn – Gia Định, hội trí thức yêu nước. Năm 1974 được kết nạp Đảng.

Không quyền cao chức trọng, một trí thức bình thường, nhưng sống qua 3 thể chế với trải nghiệm của mình, ông có nhiều nhận xét khiến ta phải giật mình vì sự chí lí và tính xác thực không thể biện hộ.

Ông bảo, đã là trí thức, dù Bắc di cư hay từ nước ngoài về, từ thời thuộc Pháp đều cảm tình với Cách mạng. Những gì mắt thấy, tai nghe, xử lí, phân tích, so sánh, đối chứng làm gì chả nhận ra giá trị đích thực để đi theo bên này hay bên kia.

Ông tâm sự: Nhiều quan chức gặp nhân sĩ trí thức ở nước ngoài thì hò hẹn, về nước thì chả làm sao gặp được. Nhiều trí thức tâm huyết gửi thư góp ý kiến chẳng thấy ai trả lời. Ngay cả một thư phúc đáp báo đã nhận được cũng không có. Nhiều việc cho thấy, văn bản nghị quyết thì đúng nhưng thực tế việc làm lại không thế.

Tâm trạng của ông mới thật sự giật mình: Tôi sợ, khi cần kêu gọi một việc gì, anh em sẽ im lặng. Sắp đến chân dốc bên kia cuộc đời rồi, không thể không nói thật ra điều ấy. Tôi gửi tâm trạng ấy đến những người có trách nhiệm ở TPHCM và cả nước.              

_____________

(Còn nữa)