Hối hả trên đại công trường
Trên Khu xử lý rác Đa Phước thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS có gần 400 công nhân ngày đêm ngày làm việc hết công suất mới kịp xử lý hơn 5.000 tấn rác thành phố chở đến mỗi ngày.
Phải mất gần 10 phút đi xe từ khu vận hàng mới lên tới nơi các công nhân làm việc. Khác hẳn dưới khu vực nhà xưởng, không khí trên bãi rác nhộn nhịp, hối hả với tiếng rầm rú của động cơ xe đầm rác, xe máy xúc, xe lu…Hàng trăm công nhân hì hục xử lý từng xe chở rác đổ xuống bãi.
Trong khi các công nhân lái xe ủi tách từng mảng rác lớn dính lại với nhau, số còn lại người cầm vòi phun xịt hóa chất xử mùi; xa xa là tốp công nhân đồng thanh hò vang 1-2-3…hì hục kéo bạt đen phủ lên đống rác. Đi sau là những công nhân lực lưỡng ôm từng tảng bê tông chặn lên bạt để không bị gió hất văng.
Những người công nhân ấy cứ thể mỗi ngày vận hành xử lý khối lượng rác trên 5.000 tấn được thành phố giao 24h/24 giờ suốt 363 ngày trong năm. Bất kể ngày và đêm, thời tiết ra sao, họ vẫn miệt mài như vậy.
Nữ tài xế trẻ Nguyễn Thị Lê Quyên (SN 1993, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) là tài xế nữ duy nhất ở khu xử lý rác khi chạy xe kéo để phun xịt chất khử mùi.
Nữ tài xế duy nhất của VWS - Chị Nguyễn Thị Lê Quyên.
Thấy người lạ “xâm nhập” lên ca-pin xe, nữ tài xế nhanh nhảu nói: “Anh cẩn thận, kẻo quản lý thấy sẽ la em”. Cô lo vì sự an toàn chứ thật lòng chẳng ngại người lạ bắt chuyện. Hỏi ra mới biết, chị Quyên đã lái xe hơn 1 năm nay và là nữ tài xế duy nhất của bãi rác, công việc vốn thường thấy ở nam giới.
“Đó là khung cảnh làm việc thường nhật của công nhân trên bãi rác Đa Phước” - Đại diện VWS nói và cho biết, công ty luôn có chính sách ưu tiên tạo công ăn việc làm và sử dụng phần đông là người địa phương và các quận huyện lân cận.
Sau một ngày tìm hiểu, chúng tôi thấy quy trình vận hành xử lý rác thải cho thấy đây là một công ty chuyên nghiệp, có tầm và có tâm, luôn chăm lo cho đội ngũ công nhân viên lao động. “Với đồng lương tốt mà công ty mang lại, 400 công nhân có thể ổn định cuộc sống gia đình. Chúng tôi cũng chăm lo an toàn cho họ và chính sách bảo hiểm sức khỏe rất tốt cho công nhân”, đại diện VWS chia sẻ.
Nỗi niềm đời công nhân
Tay quẹt lên trán lau mồi hôi, anh Trương Văn Tài, làm công nhân đã hơn 10 năm cho Khu xử lý rác Đa Phước cho biết, công việc nào cũng có cái vất vả riêng không thể so bì được. Với những người công nhân xử lý rác thải càng vất vả hơn khi hàng ngày đối diện với công việc nặng nhọc ngoài trời.
Anh Trương Văn Tài chia sẻ công việc tại VWS.
Nhưng sau tất cả, chúng tôi luôn động viên nhau: Mình đang làm một công việc để góp phần xây dựng thành phố xanh sạch đẹp hơn mà ở đó có hơn 10 triệu người đang sinh sống và làm việc.
Chúng tôi làm công việc khó khăn, vất vả, dầm mưa dãi nắng, không được nghỉ ngày lễ, Tết và hơn hết là chưa một cái Tết nào được đón giao thừa cùng gia đình. Dù buồn nhưng bù lại, theo Tài nơi anh làm việc đãi ngộ tốt, có nhiều chính sách ưu đãi cho anh em công nhân nên ai cũng gắn bó để làm tốt hơn.
Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS trao đổi với công nhân trên bãi rác.
Rồi anh Tài kể một loạt đãi ngộ như: lương tháng cao và thưởng hằng năm, tết thiếu nhi cho con em công nhân, tặng tập sách vở, cặp táp và xe đạp cho các cháu. Công ty còn lo chăm sóc sức khỏe định kỳ hằng năm…nên anh em rất yên tâm làm việc.
Cách chỗ anh Tài làm việc không xa là anh Phan Văn Tiền đang hì hục kéo bạt trên bãi rác nói: “Ở đây ai cũng như ai, mỗi ngày chia ca ra làm việc. Dầm mình trong rác, hì hục xử lý hơn 5.000 tấn bất kể ngày đêm, bất chấp thời tiết ra sao. Việc nặng nhọc là vậy nhưng ai cũng vui”.
Tiếp lời người đồng nghiệp, anh công nhân Nguyễn Văn Năm đã ngoài 50 tuổi nói: “Chúng tôi ở đây những người đến từ vùng ven của thành phố. Có người ở huyện Bình Chánh ngay đây, cũng có người ở Nhà Bè, quận 7 rồi quận 8…”.
Các công nhân làm việc tại Khu xử lý rác Ða Phước được Công ty VWS khám sức khoẻ định kỳ.
Anh Năm kể: Lúc vô làm có ai biết gì đâu, chỉ mong có được công ăn việc làm ổn định là vui rồi. Nay ở đây ai cũng yêu thích công việc của mình. Được học hỏi từ những người quản lý nước ngoài và trong nước, luôn tận tình chỉ dẫn, huấn luyện tay nghề cho chúng tôi trong những năm qua.
Cúi người che tấm bạt lại, anh Tài thở dài cho biết, làm việc bằng niềm vui mới thấy công việc nó không vất vả, nặng nhọc. Anh em ở đây luôn giữ tinh thần như vậy. Nhưng cũng có chút buồn bởi trước nay bên ngoài xã hội cũng có nói ra nói vào bãi rác Đa Phước gây mùi hôi thối tùm lum.
Công nhân VWS hì hục làm ngày đêm trên bãi rác Ða Phước
“Hàng ngày 24h/24 giờ, chúng tôi phải dầm mình trong khối rác khổng lồ để làm công việc xử lý tốt nhất khối lượng rác tiếp nhận. Ban giám đốc và người quản lý trong và ngoài nước cũng đặt văn phòng với tòa nhà cao 3 tầng tại khu vực dự án và chỉ cách 50m từ khối lượng rác đến nay đã tiếp nhận được 14 triệu tấn rồi. Nếu có sự cố về môi trường hoặc về mùi hôi thì Ban giám đốc cùng chúng tôi sẽ là những người nhận hậu quả đầu tiên”, anh Tài bức xúc và mong mọi người có cái nhìn khách quan hơn.
Nhiều công nhân làm việc ở đây cũng bày tỏ, rất vất vả trong việc xử lý rác thải để bảo vệ môi trường cho hơn 10 triệu dân của thành phố nên mong rằng mọi người ghi nhận công sức của các công nhân ở đây như bao đồng nghiệp khác làm việc ở bên ngoài.
VWS nói gì về mùi hôi?
Thời gian qua, nhiều thông tin cho rằng mùi hôi xuất phát từ bãi rác Ða Phước khi quy trình vận hành xử lý không tốt, không đảm bảo. Ðại diện VWS cho rằng nhận định này là không công bằng. VWS đánh giá mùi hôi thối xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó một nguyên nhân là hiện có trên 500 xe chở rác chạy trên tất cả các con đường trong thành phố. Các xe rác gây ra mùi hôi và nước rỉ rác chảy xuống đường gây mùi hôi thối.
Trong một số khu dân cư có các trạm trung chuyển rác, đây cũng là nguồn gây ra mùi hôi trực tiếp tại khu dân cư. Kế cận khu xử lý rác Ða Phước còn có các nhà máy xử lý phân hầm cầu, khu tiếp nhận chôn lấp bùn cống rãnh ngoài trời, nghĩa trang và nhà thiêu xác….