Trào lưu Emo: Giới trẻ đang đi nhầm đường?

Đức Tiến, một bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, người đã từng theo trào lưu Emo cho biết: Trào lưu Emo phải thành lập nhóm, phải hoạt động cùng nhau mới thích. Và quan trọng là phải cùng tìm ra được sở thích để dễ… rơi nước mắt.

> Cô gái Việt dạy guitar trên xứ sở guitar

> Khi “cậu ấm, cô chiêu” tình nguyện về quê làm ruộng

Trào lưu Emo hay còn được biết đến với tên gọi trào lưu cảm xúc du nhập vào Việt Nam cách đây vài năm. Tuy nhiên thời gian gần đây, trào lưu này mới thực sự gây được chú ý và nhận được sự quan tâm của giới trẻ tôn thờ nước mắt và có cái nhìn bi quan về cuộc sống.

Trào lưu này “hot” đến mức mà trên nhiều diễn đàn còn thành lập hội Emo để sinh hoạt và chỉ dẫn. Cá biệt có một số trường hợp tự hành hạ bản thân mình bằng cách rạch tay, ăn mặc khác người, thể hiện cảm xúc quá đà trước đám đông để thể hiện trào lưu Emo…

Nhận diện trào lưu Emo

Trào lưu Emo khá phổ biến trên thế giới, viết tắt của từ Emotion (cảm xúc), trào lưu này khiến giới trẻ nhìn mọi vật, hiện tượng với trạng thái bi quan, hay rơi nước mắt một cách vô thức. Trào lưu Emo du nhập vào Việt Nam cách đây vài năm và cũng không quá khó khăn để nhận biết những bạn trẻ đang “đâm đầu” vào trào lưu này.

Đức Tiến, một bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, người đã từng theo trào lưu Emo cho biết: Trào lưu Emo phải thành lập nhóm, phải hoạt động cùng nhau mới thích. Và quan trọng là phải cùng tìm ra được sở thích để dễ… rơi nước mắt.

Chỉ cần dạo qua một số địa điểm mà giới trẻ thường lui tới như rạp chiếu phim, các quán café… chúng tôi bắt gặp khá nhiều bạn trẻ theo trào lưu này. Tiến chỉ về phía nhóm nam thanh niên đang ngồi trong một quán cafe và nói: “Hội này cũng theo trào lưu Emo đó, nhưng mà chưa tới…”.

Nhìn những nam thanh niên đó, người ngoài chỉ có thể đánh giá nhanh rằng họ ăn mặc khác người, cầu kỳ, điệu đà… cá biệt còn một số ít người trông khá quái dị. Nếu ai không hiểu thì cho đó là mốt thời trang mới hoặc phong cách unisex (thời trang mà nam nữ đều có thể mặc được). Nhưng nhìn kỹ thì thấy từ phong cách cho đến cách nói chuyện đều có gì đó khác thường. Chỉ cần một thành viên trong nhóm đi ngược với ý của cả hội, thì tất cả sẽ “sụt sùi” nước mắt rất nhanh.

Quan sát hồi lâu, Tiến giải thích cho cái điều “chưa tới” của nhóm bạn Emo kia: Vẫn còn cứng lắm, chưa tự nhiên. Khóc là phải mạnh hơn nữa, và không được chú ý tới thái độ của những người xung quanh. Những người theo Emo lâu thì đứng giữa đông người gào thét mà chẳng cần để ý đến ai.

Chỉ trong một buổi chiều ngồi quan sát, không ít bạn trẻ theo trào lưu yếu đuối này lui tới quán cafe. Trên tay họ luôn là những đồ chơi công nghệ cao như máy tính bảng, điện thoại smartphone… họ cùng lướt web, rồi bàn luận và kết quả là tất cả cùng… khóc. Khác chăng là người khóc ít, khóc nhiều mà thôi.

Tiến còn giới thiệu thêm cho chúng tôi về phong cách của những người theo Emo: Thường thì những người theo Emo gầy và ăn mặc rất chải chuốt. Nếu là nam giới thì họ ăn mặc khá giống phái nữ, và ngược lại. Phái nữ theo Emo thường trang điểm đậm, để những kiểu tóc quái dị. Những người theo Emo thường bị đánh giá là quái dị, khác thường ở vẻ bề ngoài và có nội tâm rất khác thường.

Đức Tiến cho biết thêm: “Trào lưu Emo khiến các bạn trẻ mau nước mắt và có suy nghĩ tiêu cực, thiếu lạc quan. Nhiều người còn cho rằng, phải biết buồn, biết khóc thì mới hiện đại, mới Emo… Nhưng cũng không thiếu những người chạy theo Emo chỉ để giống bạn bè, hoặc mặc quần áo khác người cho nổi bật”.

Hành xác là… Emo “nửa mùa”

Chúng tôi sau đó còn được gặp người bạn thân, người cùng chia sẻ nước mắt với Tiến trong hội Emo khi trước là Tuấn Hùng. Hiện nay, Hùng đã không còn theo trào lưu Emo, nhưng những vết tích trên cơ thể cũng đã cho người đối diện biết rằng, Hùng là một thành viên cũ của trào lưu Emo.

Hùng cũng không ngần ngại cho chúng tôi xem những bức ảnh khi còn hâm mộ trào lưu Emo. Lúc đó trông Hùng gầy, trang điểm như phái nữ, ăn mặc quái dị… Khi nhìn trên tay có những vết sẹo, chúng tôi hỏi Hùng và nhận được câu trả lời: Mấy vết sẹo này là do khi trước em theo Emo đó. Nhưng quả thật là ngày đó theo “nửa mùa” nên không hiểu.

Hùng cho biết những trạng thái như khóc, gào thét thảm thiết trước đám đông là sống thật, không giấu cảm xúc của những người theo Emo. Sau đó hành động “sống thật” này còn bị biến tướng bằng những cách hành hạ bản thân như rạch tay, rạch chân, bấm khuyên ở những nơi nổi bật…

Cả Hùng và Tiến đều cho rằng giới trẻ ngày nay theo Emo đều thích thể hiện bản thân qua trang phục, những vẻ bề ngoài hào nhoáng… chứ không hề chú ý đến nội tâm hay văn hóa khởi nguồn của Emo.

Nhiều bạn còn tự tập cách làm sao rơi nước mắt thật nhanh để chứng tỏ là sống thật với cảm xúc. Làm quá lên, một số còn tự rạch tay chân của mình để tiếp tục chứng tỏ không kiềm chế được cảm xúc. Trên người luôn có vài vết sẹo mới chứng tỏ được rằng mình là một Emo.

Hùng chia sẻ thêm: Thời gian trước, em cũng tìm hiểu trên mạng về Emo và thấy mình đang đi nhầm đường. Bởi giới trẻ nước ngoài theo Emo đều xuất phát từ cảm xúc thật của mình, họ quan tâm tới cuộc sống chung quanh, họ biết chia sẻ những nỗi buồn với mọi người.

Ngoài ra họ thể hiện cảm xúc khá sâu sắc. Nhưng trào lưu khi du nhập về nước ta thì lại biến tướng như vậy. Và những người như em và Tiến, sau khi nhận biết được thì đều thấy những hành động “bề nổi” hay tự hành hạ bản thân mình đều là Emo “nửa mùa”.

Nhìn lại quãng thời gian theo trào lưu Emo, cả Đức Tiến và Tuấn Hùng đều cho rằng đó là sự nông nổi của giới trẻ. Thực ra cho đến bây giờ mới nhận ra rằng, theo trào lưu Emo không phải là đẳng cấp, cũng chẳng phải thể hiện cá tính mà chẳng qua là “ăn theo” người khác.

Hãy dành thời gian cho việc có ích

Theo các bạn trẻ thì “di chứng” trên cơ thể của những người không kiềm chế cảm xúc, và tự cho là theo Emo thường là tay chân bầm dập, và luôn tự làm đau chính mình. Một số khác còn khắc tên bằng dao lam trên tay mình, hay rạch tay, rạch chân. Tự làm đau bản thân bằng những dụng cụ sắc nhọn như dao, kéo… với mục đích làm giảm nỗi đau tinh thần, hoặc hạ “nhiệt” cảm xúc của giới trẻ.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Ngọc cho biết, nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng theo Emo là phải rạch tay rồi hành hạ bản thân, nhưng chính những bạn đó cũng không hiểu bản chất của Emo. Họ đang nhầm lẫn giữa việc thể hiện cảm xúc và việc không kiềm chế được bản thân rồi nổi loạn.

Những hành động nổi loạn này sẽ dẫn đến những sai lầm không đáng có. Các bạn trẻ cần được xã hội, cộng đồng hướng họ đến những việc có ích như tham gia tình nguyện, lao động công ích… Từ đó, những người theo Emo mới nhận biết được giá trị của cuộc sống và trưởng thành hơn rất nhiều trong cảm xúc.

Có thể nói, cần có nội lực để hướng cảm xúc của mình đến với những điều tích cực. Còn việc cố tình làm ra vẻ buồn, ủy mị, bất hạnh của những người theo Emo “nửa mùa” là việc làm cần xã hội lên án.

Hiện nay có nhiều lớp học rèn luyện bản lĩnh cảm xúc để nâng cao chỉ số cảm xúc đã được mở ra nhằm giúp các bạn trẻ có cái nhìn đúng đắn trào lưu Emo và kiềm chế được cảm xúc. Cần luyện tính kiên trì, kiềm chế, điều chỉnh cảm xúc… từ đó các bạn trẻ sẽ có lối suy nghĩ tích cực hơn.

Theo Bảo Nam
An ninh thủ đô

Theo Đăng lại