Tranh luận 'nóng' tại Quốc hội về việc cách chức hiệu trưởng Lê Vinh Danh

TPO - Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh khi chưa có Hội đồng trường, trở thành nội dung chất vấn, tái chất vấn “nóng bỏng” tại phiên chất vấn ở Quốc hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn

Cách chức có đúng luật không?

Sáng 6/11, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đã nêu câu hỏi chất vấn đối với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh.

“Việc cách chức đối với ông Lê Vinh Danh như vậy có đúng thẩm quyền không. Thẩm quyền tôi muốn hỏi Phó Thủ tướng ở đây là thẩm quyền về mặt pháp lý”, ông Vân nêu câu hỏi.

Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Luật Giáo dục Đại học đã quy định rõ, hội đồng trường (HĐT) là cơ quan quyền lực của trường, và các chức danh lãnh đạo bao gồm hiệu trưởng thì do HĐT quyết và đề nghị đề nghị cấp có thẩm quyền, mà trong trường hợp này là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận và phê chuẩn.

“Như vậy, nếu có HĐT mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của HĐT là không đúng luật”, ông Đam nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân (ảnh Nhật Minh)

Tuy nhiên, ông Đam cho biết, đây là trường hợp đặc thù, vì HĐT Đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ, mà việc kiện toàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chậm trễ do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cho nên tại thời điểm mà ban giám hiệu, bao gồm cả hiệu trưởng nhận kỷ luật của Đảng thì trưởng Đại học Tôn Đức Thắng không có HĐT, dẫn đến câu chuyện không rõ ràng.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT vào cuộc. Bộ cũng đã lập một đoàn để làm rõ đúng, sai và có hướng dẫn. Trước hết là lập HĐT theo đúng quy định của pháp luật. Đoàn này đã vào cuộc và sẽ có báo cáo, hướng dẫn. Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, điểm sáng của tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động, địa phương và của tập thể ban lãnh đạo, ban giám hiệu, hiệu trưởng. Theo ông Đam, việc xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, và theo thông lệ kỷ luật cán bộ là kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật Đảng.

Phải tôn trọng Luật Giáo dục Đại học

Tranh luận lại, ông Lê Thanh Vân khẳng định, việc áp dụng luật của Tổng Liên đoàn Lao động là sai. Tổng Liên đoàn Lao động có quyền kỷ luật viên chức còn chức danh hiệu trưởng phải theo luật. “Tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị nên tôn trọng Luật Giáo dục Đại học, một chủ trương tự chủ Quốc hội vừa thông qua cần thi hành triệt để”, ông Vân nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy

Bấm nút sử dụng quyền tranh luận với đại biểu Vân, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn TP. HCM) cho biết, khi chưa có HĐT thì chủ sở hữu Trường Đại học Tôn Đức Thắng có quyền kỷ luật hiệu trưởng. Cũng theo bà Thúy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xin ý kiến Bộ Nội vụ về vấn đề này. Bộ Nội vụ đã trả lời thẩm quyền xử lý đó thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngay lập tức ĐBQH Lê Thanh Vân sử dụng quyền tranh luận để phản biện lại ý kiến trên. Ông Vân đề nghị đại biểu Thúy nên xem lại Luật giáo dục Đại học.

Ông Vân cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang có mặt tại phiên chất vấn giải thích hơn rõ vấn đề này. “Luật Giáo dục Đại học đã quy định rất rõ đề nghị phải tôn trọng luật. Nếu làm khác là trái luật”, ông Vân nói.