Không ít đại biểu nhắc tới thực trạng Việt Nam chưa coi trọng bản quyền khi góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. PGS.TS Trần Văn Hải, Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học KHXH&NV đề cập một số điểm chưa rõ trong quy định tác phẩm phái sinh và trích dẫn tác phẩm. Ông Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép cho rằng dự thảo này khá đầy đủ về quyền nhân thân của tác giả, nhưng chưa nói nhiều về quyền tài sản trong đó có quyền thế chấp. “Sản phẩm trí tuệ là sản phẩm đặc biệt. Vì sao nhiều nhà khoa học, nhiều tác giả cuối đời lâm cảnh tay trắng vì tác phẩm bị sử dụng rất khó thu phí bản quyền. Tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà được thế chấp sẽ có khoản tiền bồi dưỡng cho cuộc sống”, ông Quang nói.
NSND Thanh Hoa đồng tình, bởi trí tuệ từ các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đến văn học nghệ thuật bị coi thường nhiều quá. Các đại biểu đồng tình việc phải để người dân, người sáng tạo hiểu rõ hơn và tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như quyền tác giả, quyền liên quan. Thanh Hoa nhấn mạnh cần tuyên truyền ý thức sử dụng phải trả phí cho người sáng tạo-không hạn hẹp chỉ nhìn vào một nhà văn, nhạc sỹ nào mà bất cứ sản phẩm nào mang tính sáng tạo. “Luật phải cụ thể, nếu không người dân làm sao thực hiện được”, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) đồng tình với ý kiến của một số đại biểu khác cho rằng không nên chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và phải mở rộng ra các lĩnh vực khoa học kỹ thuật. “Phải quy định rõ trường hợp nào không phải trả tiền, trường hợp nào phải trả phí bản quyền. Không thể có chuyện người làm ra sản phẩm trí tuệ lại sống trong nghèo khổ”, ông Hùng nói. Việc thực hiện chính sách bản quyền chặt chẽ chính là cách khuyến khích sáng tạo, ông Hùng nói.
Trường hợp chưa mở rộng sửa quy định ở lĩnh vực khác, ông Đặng Đình Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển cho rằng phải đề cập đầy đủ hơn về quyền tác giả, quyền liên quan ở lĩnh vực văn học nghệ thuật. Theo ông Long, giá trị của công nghiệp văn hóa ở Mỹ chiếm hơn 10% GDP, còn ở Hàn Quốc hiện lên tới 20%, cho nên không có lí do gì xem nhẹ giá trị lĩnh vực này ở Việt Nam. “Có những tác giả tài năng nhưng sống nghèo khổ là do chúng ta chưa quan tâm đến bản quyền tác giả”, ông Long nói. Ông cũng cho rằng cần làm rõ hơn vấn đề quyền liên quan trong dự thảo lần này, bởi thực tiễn xôn xao tranh chấp trong thu tác quyền âm nhạc và phân chia thời gian qua, vì vậy phải làm rõ hơn các quy định về các đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) nêu quan điểm “sửa các quy định để đảm bảo quyền lợi cho tác giả”. Về góp ý liên quan tới các tác phẩm và công trình khoa học, ông Hùng cho rằng không phải do không để ý, tuy nhiên có một số vướng mắc liên quan tới luật, muốn làm được phải sửa luật. Ông Hùng nhắc tới hướng xây dựng luật bản quyền tác giả độc lập để giải quyết đầy đủ, dứt điểm toàn diện những bất cập vừa qua.
“Phải quy định rõ trường hợp nào không phải trả tiền, trường hợp nào phải trả phí bản quyền. Không thể có chuyện người làm ra sản phẩm trí tuệ lại sống trong nghèo khổ”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam)