Mất chuẩn quốc gia
Ông Phùng Nhật Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Dương Đông I cho biết: Chúng tôi đang bị sức ép quá lớn từ áp lực của học sinh trên địa bàn. Năm học 2015 - 2016 trường có 29 lớp với tổng cộng trên 1.200 học sinh, tăng gần 100 em so với năm học trước và tăng hơn 250 em so với 5 năm trước. Do học sinh tăng mạnh trong mấy năm gần đây nên trường bị động về cơ sở vật chất. Trường chúng tôi là trường được đạt chuẩn quốc gia từ năm 2000. Tuy nhiên sau khi công nhận đạt chuẩn, ngành giáo dục không lường trước được sự bùng nổ cơ học của dân số. Dân ồ ạt ra Phú Quốc làm ăn, họ mang theo vợ chồng, con cái và chủ yếu tụ tập về thị trấn nhỏ bé này.
Do áp lực từ phía học sinh, Trường Tiểu học thị trấn Dương Đông I đã buộc phải xếp bình quân mỗi lớp tới 43 em, trong khi quy định với một trường chuẩn quốc gia chỉ 35 em. Cũng theo quy định trường chuẩn phải đạt bình quân 6m2 trên một em, nhưng bây giờ chia bình quân trường chỉ còn hơn 3m2 mỗi em. Hiện học sinh trên địa bàn xin vào học vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Khi phá vỡ quy định, tiêu chuẩn, trường đã bị loại khỏi chuẩn quốc gia. Một giáo viên của trường cho biết: “Khổ nhất là nhiều em chưa hề qua mẫu giáo, chưa học qua chương trình 30 tiết tiếng Việt trước khi vào lớp 1, chưa từng đến trường, đến lớp, làm quen với giấy bút… nên khi học chung với các em khác rất khó khăn”.
Thị trấn Dương Đông hiện có 10 khu phố, 10.747 hộ với gần 50 ngàn nhân khẩu, chiếm gần 1/2 dân số toàn đảo. Với số lượng dân như vậy nhưng thị trấn chỉ có 1 trường mẫu giáo công lập và 2 trường tư thục. Các cấp học khác cũng đang trong tình trạng như “chiếc áo quá chật” trước sự bùng nổ cơ học của dân số.
Trong khi thị trấn Dương Đông đang bị áp lực bởi dân số tăng vọt, thì một số nơi công tác quy hoạch, xây dựng trường lớp đang thể hiện sự bất cập, chậm trễ. Dương Tơ là xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong vấn đề giải tỏa. Hàng trăm hộ dân phải di dời cho dự án sân bay quốc tế gần 1.000 ha và hàng ngàn hécta phục vụ các dự án du lịch dọc theo vùng biển Bãi Trường. Tại đây có tới 3 điểm trường, trong đó có một điểm trường chính phải di dời nhường chỗ cho dự án. Trong khi khu tái định cư sân bay lại cách điểm di dời cả chục ki-lô-mét. Tương tự, khu tái định cư cho các dự án du lịch ở Bãi Trường lại đưa về Khu 73 ha tại ấp Suối Lớn, cách gần 15km. Chính sự di dời một lượng lớn dân cư như thế đã gây khó cho công tác quy hoạch trường lớp ngành giáo dục.
Khan hiếm nhân lực
Với việc các công trình, dự án, các ngành dịch vụ ồ ạt mọc lên đã làm cho nguồn nhân lực trên đảo Phú Quốc vô cùng khan hiếm. Thậm chí, trong một cuộc đối thoại với doanh nghiệp do UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì vào đầu năm 2015, một vị giám đốc khách sạn 4 sao lâu đời trên đảo tố một số doanh nghiệp mới ra đời “dụ dỗ” từ nhân viên có kinh nghiệm đến quản lý cấp cao của mình bằng mức lương cao hơn. Hầu hết các nhà hàng, khách sạn mới ra đời rất khó có thể tuyển dụng được lao động là người dân địa phương trên đảo. Một hòn đảo được nhà nước đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng sân bay, cầu cảng, đường sá, kéo đường điện ngầm xuyên biển; một hòn đảo hiện có tới hơn 1.600 doanh nghiệp, 203 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 154 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 5.627ha, tổng vốn đầu tư 106.998 tỷ đồng và một hòn đảo được quy hoạch, xác định rất rõ ràng là “thiên đường du lịch” từ hơn 10 năm qua… nhưng hòn đảo ấy lại không được đầu tư một trường dù là Trung cấp hay Cao đẳng chuyên về đào tạo trong lĩnh vực du lịch.
Du khách ra đảo ngày một đông, nhưng nguồn nhân lực phục vụ lại đang khan hiếm
Hồi cuối năm 2014, có một Cty xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, quy mô 500 phòng và họ cần ít nhất 1.500 lao động. Đơn vị này đăng tuyển dụng cả năm trời vẫn không được bao nhiêu người đạt yêu cầu. Sau đó Cty phải phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang để đào tạo nhưng cuối cùng cũng chỉ tuyển dụng được trên 200 lao động làm việc. Chính vì quá thiếu lao động, nên nhiều khách sạn trên đảo phải nhận đại vào rồi vừa làm vừa “cầm tay chỉ việc”, hoặc mở lớp đào tạo ngay trong khách sạn. Chính vì thế khó mà đòi hỏi chất lượng phục vụ ở đây đạt chuẩn.
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ huyện đảo Phú Quốc nhiệm kỳ 2015 – 2020 cho biết: Lượng khách du lịch bình quân mỗi năm tăng 28,80%. Năm 2015 ước khoảng 850 ngàn lượt du khách đến đảo Phú Quốc, trong đó khách quốc tế có 136 ngàn người. Bản báo cáo thừa nhận: Việc triển khai thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực chậm. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Công tác thu tuyển, đào tạo cán bộ, nhất là cơ sở chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Trong khi đó, dự báo đến năm 2020 Phú Quốc đón khoảng 2-3 triệu du khách/năm; năm 2030 đón khoảng 5-7 triệu du khách, trong đó khách nước ngoài chiếm 45-50%. Dân số từ 340 ngàn vào năm 2020 lên 500 ngàn vào năm 2030.
Môi trường ô nhiễm…
Hai con sông lớn nhất, nên thơ nhất trên đảo Phú Quốc là Dương Đông và Cửa Cạn đang bị bức tử bởi chính con người. Một thiên đường nghỉ dưỡng, du lịch nhưng không có nhà máy xử lý rác. Và, hòn đảo vốn yên bình, người dân bao đời sống đôn hậu, thân thiện ấy đang đối mặt với trộm cắp, bạo lực và mại dâm.
Ông Lê Quang Minh - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc cho biết: Trên địa bàn huyện đảo mỗi ngày có khoảng 180 tấn rác thải cần thu gom, xử lý. Tuy nhiên năng lực của Ban quản lý công trình công cộng và một số xã có tổ chức thu gom chỉ đạt khoảng 100 tấn. Lượng rác 80 tấn còn lại mỗi ngày sẽ được “xử lý” thẳng ra đường, xuống sông, biển, ao hồ… Như vậy mỗi năm Phú Quốc sẽ có khoảng 30 ngàn tấn rác được đổ thẳng ra môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, khoảng 100 tấn rác mỗi ngày gọi là được xử lý nhưng thực tế được xe của Ban quản lý công trình công cộng huyện gom đến đổ lộ thiên tại các bãi rác xã Cửa Cạn.
Rác thải là thế, còn nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm. Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn huyện Phú Quốc có 4.033 hộ kinh doanh cá thể, 1.654 công ty, doanh nghiệp, trên 200 nhà nghỉ, khách sạn và khoảng 60 cơ sở sản xuất nước mắm… Ước tính mỗi ngày có gần 20.000m3 nước thải xả ra môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hộ dân. Hiện Phú Quốc chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch. Hầu hết nước thải đang được thải ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tầng nước ngầm trên đảo.
Trường Tiểu học Dương Đông I đang chịu áp lực nặng nề bởi sự bùng nổ của dân số cơ học
Đó là môi trường tự nhiên, còn môi trường xã hội cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Theo một số người dân “biết chuyện” trên đảo Phú Quốc thì vụ nổ súng làm chết 2 người tại quán Beer Lion Garden trong đêm 1/8 vừa qua không có gì bất ngờ, bởi vấn đề bạo lực trên đảo đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Cách đây khoảng 5-6 năm, ông Phạm Vũ Hồng, khi ấy là Chủ tịch huyện đảo Phú Quốc, đã lên tiếng trong một hội nghị có cả lãnh đạo tỉnh, trung ương dự, rằng: Phú Quốc xưa người dân đi ngủ không cần đóng cửa, thậm chí làm nhà không thiết kế cửa, vì chẳng ai lấy của ai cái gì. Nhưng bây giờ thì không chỉ có ăn trộm, mà còn xuất hiện cả cướp nữa rồi…
Vấn đề mại dâm cũng đang có những diễn biến phức tạp, tỷ lệ thuận với hệ thống nhà hàng khách sạn. Với các loại hình biến tướng từ bia ôm, mát-xa, karaoke từ phố đến ra biển vào rừng, thậm chí gái gọi từ đất liền... cứ cần là có ngay.
Luật sư Phạm Minh Vũ - một người dân sinh sống ở đảo nhận xét: “Đã có sự thay đổi lớn về nhận thức, quan niệm cuộc sống; các giá trị đạo đức, kể cả đạo đức kinh doanh truyền thống trên đảo cũng đã bị đảo lộn với những “chiêu trò” mới nảy sinh, rất đáng lo ngại”.
Theo báo cáo của công an huyện Phú Quốc: Phạm pháp hình sự, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị-xã hội. Tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp, năm sau cao hơn năm trước với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động. Trong 5 năm qua (2010 – 2015) có trên 700 vụ phạm pháp hình sự trên đảo.