> Nhập khẩu tăng đột biến
> Giá thuốc & kẽ hở
Vô tư “cắt lô”
Sau khi khảo sát thị trường, dược sĩ Nguyễn D.M. ở quận 10, TPHCM đã nhờ vào pháp nhân của một công ty dược TNHH ở quận này để “cắt lô” một loại thuốc điều trị tim mạch.
“Sau khi đặt vấn đề với đơn vị sản xuất thuốc tim mạch ở Bình Dương, họ đồng ý sẽ cắt lô khoảng 1 triệu viên thuốc tim mạch cho tôi với điều kiện có pháp nhân kinh doanh dược rõ ràng. Sau khi có hàng, công ty dược TNHH đứng ra mua và phân phối lại số thuốc cho tôi ở các phòng mạch, nhà thuốc, bệnh viện với đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Chuyện cắt lô không có gì khó khăn, nó tồn tại từ nhiều năm nay và công ty dược nào cũng phải làm để tạo nên những loại thuốc độc quyền cho mình” – dược sĩ M. cho biết.
Ông Lương Đăng Khoa- Giám đốc Cty cổ phần Boston Pharma cho biết: Cty này chủ yếu phân phối thuốc qua Cty TNHH Diethelm Việt Nam. Cty không có mạng lưới phân phối và khó khăn về nhân lực buộc phải phân phối qua trung gian.
Theo đó, các công ty TNHH có pháp nhân kinh doanh dược khác đạt chuẩn thực hành phân phối sỉ dược phẩm, cũng được công ty bán thuốc. Ngoài việc phân phối qua trung gian, theo đại diện Boston Pharma, họ vẫn nhận nhiều hợp đồng “cắt lô” bao tiêu sản phẩm.
Nhiều khách hàng vẫn “cắt lô” mua thuốc tại Cty cổ phần Dược phẩm Euvipharm có nhà máy ở tỉnh Long An. Ngoài bán thuốc qua trung gian, theo đại diện Cty, chuyện “cắt lô” khá phổ biến vì đây là hình thức kinh doanh đúng pháp luật.
Giám đốc công ty dược S. ở TPHCM cho biết, khi thấy một sản phẩm nào đó bán chạy trên thị trường, thì nhiều công ty kinh doanh dược ký hợp đồng sản xuất hay gọi “cắt lô” với công ty đó và bao tiêu hết.
“Họ chịu trách nhiệm bảo quản thuốc, công nợ, xuất bán có hóa đơn chứng từ đầy đủ” - Giám đốc công ty dược S. nói.
Bắt tay làm giá?
Sau nhiều năm nghiên cứu về hệ thống phân phối dược phẩm, nhóm nghiên cứu của Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương dẫn chứng trên thị trường phân phối dược phẩm có hiện tượng một doanh nghiệp A không có chức năng nhập khẩu thuốc chữa bệnh trực tiếp vào Việt Nam, nên phải nhập khẩu uỷ thác thông qua một doanh nghiệp B.
Theo Cục này, sau khi lô hàng được nhập về, A lại hợp tác với C để “cắt lô” hàng, bằng cách C sẽ mua lại 50% hay 80% tuỳ khả năng trong khi toàn bộ lô hàng vẫn được lưu kho tại B theo quy định. Số hàng còn lại sau khi “cắt lô” sẽ được một đơn vị phân phối cho A bán ra thị trường với giá bình thường. Khi hàng trên thị trường gần hết, tạo tình trạng khan hiếm giả tạo, A sẽ báo cho C đưa nốt số hàng đã mua ra thị trường với giá tăng cao hơn. Đó là hành vi “bắt tay” đầu cơ để nâng giá.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lương Đăng Khoa cho biết, công ty mua “cắt lô” của công ty có pháp nhân đầy đủ thì mua bán thoải mái. Nói về việc “làm giá” thuốc sau khi “cắt lô” hay lòng vòng qua các tầng nấc trung gian để nâng giá, ông Khoa cho biết, việc này không thuộc quản lý của công ty nữa mà họ nâng giá hay bán thuốc không rõ ràng nếu bị phát hiện sẽ chịu sự xử lý của ngành chức năng.
Khó truy!
Trao đổi với Tiền Phong ngày 13-9, LS Trần Xuân Thiện- GĐ Cty luật Rạng Đông TPHCM cho biết, cá nhân “mượn” pháp nhân công ty dược để “cắt lô” thuốc là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, rất khó truy, bởi thực tế thuốc nhập về và bán ra đều được công ty kinh doanh dược cấp hóa đơn, chứng từ hợp pháp; còn cá nhân chỉ là người “ẩn” phía sau công ty.
LS Thiện cho rằng nếu không quản lý chặt và có chế tài nghiêm, việc cá nhân tham gia vào hoạt động “cắt lô” dựa vào pháp nhân một công ty nào đó để kinh doanh không đúng mục đích, rất nguy hiểm.