Trận chiến Nga - phương Tây tăng nhiệt

TP - Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm qua về việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ được Quốc hội nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine phê chuẩn ngày 17/3. Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố có thể áp đặt một loạt lệnh trừng phạt với Nga từ 17/3.
Đụng độ bạo lực giữa phe ủng hộ chính quyền Kiev và người thân Nga ở thành phố Donetsk. Ảnh: AP

Theo báo Washington Post (Mỹ), cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea diễn ra từ 8h sáng 16/3 dưới sự giám sát an ninh nghiêm ngặt. Người phát ngôn quân đội Ukraine Vladislav Seleznyov nói 50 xe bọc thép Nga đã tiến về phía bắc Crimea, quân Nga chiếm giữ thêm nhiều căn cứ bị bỏ lại khi khủng hoảng nổ ra. Binh sĩ Nga trên 4 trực thăng chiến đấu và 3 xe thiết giáp chiếm một cơ sở khí đốt gần làng Strilkove. Tối thứ Bảy, 120 lính Nga chiếm một căn cứ của Ukraine, nhưng không có chạm súng.

Bộ Ngoại giao Ukraine yêu cầu phía Nga rút ngay khỏi lãnh thổ nước này và tuyên bố Ukraine có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn can thiệp quân sự.

Báo Pháp Le Monde dẫn lời Tổng thống tạm quyền Ukraube Oleksandr Turchynov tuyên bố Ukraine sẽ “chống trả bằng mọi phương tiện”. Ông Turchynov tiếp tục kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, cho rằng nó “diễn ra dưới áp lực của Nga và không phản ánh tình cảm thực sự của dân chúng Crimea”.

Trả lời báo Đức Der Tagesspiegel, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko kêu gọi các cường quốc phương Tây thống nhất để chống lại Nga.

Ngày 15/3, Nga bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết không công nhận kết quả trưng cầu dân ý tại Crimea, Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết, trước tình hình bạo lực lan tràn tại miền đông Ukraine, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu chính quyền Kiev phải chấm dứt hành động bạo lực nhằm vào cộng đồng dân cư nói tiếng Nga, của các nhóm cấp tiến và dân tộc chủ nghĩa cực đoan Ukraine. Nga nhận được rất nhiều lời đề nghị bảo vệ những công dân hòa bình và “những kêu gọi này sẽ được xem xét”.

Trừng phạt lập tức

Liên minh châu Âu (EU) đã lên danh sách 120-130 quan chức cấp cao của Nga có thể nằm trong diện bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Danh sách này được lọc trước khi diễn ra cuộc họp của các ngoại trưởng EU ngày 17/3. Một quan chức cao cấp EU tiết lộ, các tướng lĩnh và những nhân vật cấp cao trong giới quân sự và chính trị Nga nằm danh sách này.

Theo báo Bild (Đức), lệnh cấm thị thực nhằm vào ít nhất 13 chính trị gia và lãnh đạo ngành công nghiệp của Nga, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, Chánh Văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nikolai Patrushev và một số cố vấn của ông Putin. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với lãnh đạo Tập đoàn năng lượng Gazprom Alexei Miller và người đứng đầu công ty dầu mỏ Rosnef Igor Sechin.

NATO cho biết vừa bị một nhóm tin tặc tự xưng là CyberBerkout tấn công. Nhóm này tuyên bố “không bao giờ chấp nhận sự hiện diện của NATO trên lãnh thổ của chúng ta”. Cuộc tấn công nhằm vào NATO diễn ra sau nhiều cuộc tấn công khác nhằm vào chính quyền Kiev, trong khi tàu khu trục USS Truxtun của Mỹ đang tập trận tại biển Đen.

Báo The Guardian (Anh) đưa tin, thị trường tài chính toàn cầu đã báo động trước tin đồn về việc Nga tuần qua rút hơn 100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ ra khỏi Mỹ. Số tiền lớn này đã được chuyển ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ trong bối cảnh Nga đối mặt lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngân hàng trung ương Nga có thể đứng đằng sau các thương vụ chuyển tiền trên.

Theo báo Mỹ New York Times, tuần trước, chính quyền Mỹ họp với lãnh đạo Ngân khố liên bang, Hiệp hội thương mại, các cố vấn kinh tế để bàn biện pháp trừng phạt Nga. Nhằm tập hợp sự ủng hộ, ngoài các đồng minh chủ chốt, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn gọi điện cho lãnh đạo Tây Ban Nha và Kazakhstan. Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden điện đàm với lãnh đạo Cyprus - nơi nhiều nhà tài phiệt và công ty Nga gửi tiền.

Tuy nhiên, đại điện Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội các nhà sản xuất và Hội đồng kinh doanh Mỹ-Nga đã tiếp xúc với Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, bày tỏ quan ngại trừng phạt kinh tế sẽ gây thiệt hại lớn cho Mỹ. Tập đoàn Boeing đã bán và cho Nga thuê hàng trăm máy bay. Boeing dự báo, trong 20 năm tới, Nga cần thêm 1.170 máy bay trị giá tới 140 tỷ USD.

Theo số liệu của BP, năm 2012, Nga sản xuất 10,6 triệu thùng dầu/ngày, tiêu thụ 3,2 triệu thùng, dành 7,4 triệu thùng cho xuất khẩu, trong khi Mỹ chỉ sản xuất được 8,9 triệu thùng/ngày, tiêu thụ 18,5 triệu thùng/ngày và phải nhập khẩu tới 10,5 triệu thùng. Tạp chí National Interest (Mỹ) kết luận, an ninh năng lượng Nga tốt hơn Mỹ nhiều, dùng vũ khí dầu lửa-khí đốt không ăn thua mà chỉ khiến cho dân Mỹ è cổ gánh chịu.