Đáng nói hơn, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài là trạm thu phí hoàn vốn cho dự án tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vốn đang bị người dân phản ứng đường làm một nơi, thu phí một nẻo thời gian qua.
Cụ thể, nhà đầu tư này đề xuất tăng mức phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài theo 2 phương án. Cụ thể, thay vì mức 10.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ như hiện nay Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 (Vietracimex 8), đưa ra phương án 1: thu phí dự án còn 19 năm 5 tháng 20 ngày và tăng 2,5 lần so với mức thu hiện hữu đối với dưới 12 chỗ ngồi kể từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2020. Giai đoạn từ 1/1/2021 đến ngày 31/12/2024, tăng lên 30.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi. Tăng lên 35.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi kể từ ngày 1/1/2025 cho đến khi kết thúc thời gian thu giá hoàn vốn (20/6/2030).
Phương án 2: thu phí dự án còn 17 năm 5 tháng 19 ngày với mức tăng lên 30.000 đồng/lượt/xe 12 chỗ kể từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2020. Từ 1/1/2021 đến khi kết thúc thời hạn thu phí (ngày 19/6/2028), mức thu được đẩy lên tới 40.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ (tăng gấp 4 lần hiện nay).
Trạm thu phí BOT được đặt trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ năm 2009. Theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng Cục đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư - Cty Cổ phần BOT Viettracimex 8, với giá trị hợp đồng làm đường tránh Vĩnh Yên 531 tỷ đồng, từ 1/9/2009, Cty Viettracimex 8 được đặt trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên trong vòng 16 năm 10 tháng.
Đến nay, nhà đầu tư đã thu được hơn 8 năm. Với lý do đường làm một nơi, trạm thu phí một nẻo, nhiều năm qua người dân và chính quyền thành phố Hà Nội đã nhiều lần có kiến nghị di dời trạm ra khỏi Hà Nội. Tuy nhiên hiện trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại và đến nay nhà đầu tư còn đề xuất tăng phí với mức trên.