Trại nghệ thuật tạo hình quốc tế trong rừng

TP - Chương trình nghệ thuật lưu trú dành cho nghệ sĩ trong ngoài nước Nghệ thuật trong rừng (Art in the Forest - AIF) lần thứ ba đang diễn ra tại khu đô thị nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, Hà Nội. Khai mạc 28/10 nhưng các nghệ sĩ đã làm việc tại đây từ khoảng 2 tháng trước. Họ tiếp tục biến khu vực quanh hồ Đại Lải trở thành không gian nghệ thuật khổng lồ.
Điêu khắc gia Lee Jae Hyo đem theo cả một trợ thủ từ Hàn Quốc sang Việt Nam cùng làm tác phẩm trên chất liệu gỗ xà cừ. Ảnh: BTC.

Đây là lần tổ chức quy mô nhất trước nay của AIF với 17 nghệ sĩ. Trong đó có 3 nhà điêu khắc Việt Nam Bùi Hải Sơn, Nguyễn Nguyên Hà, Vũ Bình Minh cùng 4 tên tuổi quốc tế Carlos Albert Andrés (Tây Ba Nha), Yeo Chee Kiong (Singapore) và Mukai Katsumi (Nhật Bản) và Lee Jae Hyo (Hàn Quốc).

Mukai 71 tuổi, tham gia AIF lần hai hứa hẹn với giám đốc nghệ thuật của dự án Vũ Hồng Nguyên là sẽ ưu tiên phần đời còn lại cho dự án làm Nguyên, 41 tuổi rất cảm động. Tác phẩm lần này của Mukai tên là Gia đình trên chất liệu gỗ tếch nhập từ Myanmar có tính chất bền vững, chịu thời tiết tốt hơn. Tác phẩm năm ngoái Mukai làm bằng lim được biết đã có phần biến dạng - lại tạo nên một mỹ cảm khác.

Lee Jae Hyo (sinh 1965) mang đến Sỏi đá cũng là vàng cũng bằng gỗ nhưng là xà cừ. Tác phẩm cao hơn 2m có trọng lượng 6,5 tấn này nhìn mềm và… ngon như cái bánh. Tác giả so sánh tấm gỗ với cây đinh giống như những người mẫu khỏa thân, da thịt trần trụi… Và khiến cho cây đinh kia trở nên xinh đẹp hơn thực tế, cho tấm gỗ kia hạnh phúc hơn thực tế là công việc của điêu khắc gia.

Với một cách diễn đạt khác, có thể nói tác phẩm của điêu khắc gia nước ngoài mang đến không gian AIF một năng lượng mới. Yeo Chee Kiong (sinh 1970) chuyên dùng inox gương tạo nên những sản phẩm trông như đúc nhưng thực ra được làm bằng tay mà riêng khâu hoàn thiện đánh bóng mất gần 1 năm. May mà khâu này không cần họa sĩ giám sát chứ không thì AIF chết tiền nuôi tác giả(!). Đóng góp của Yeo Chee Kiong vào dự án lần này có tên là Tâm trí cám dỗ, cỏ cây lay động, ngọn gió vi vu mềm hóa thép không gỉ dạng sóng. Tác phẩm được đặt bên hồ và đồng cỏ để phản chiếu những con sóng thật.

Nghệ sĩ trẻ nhất AIF Vũ Bình Minh (sinh 1985) mang đến tác phẩm bề thế nhất, Mây mùa hạ toàn bằng dây thép nặng tới 28 tấn. Trong khi Nguyễn Nguyên Hà thử thách bản thân với việc uốn éo một dây thép đặc to bằng cổ chân thành Bướm nặng chỉ… 1,6 tấn.

Các tác phẩm điêu khắc khi hoàn tất đương nhiên thuộc sở hữu của Flamingo Đại Lải. Nhưng không gian rộng đến đâu rồi cũng đến lúc chật. Vũ Hồng Nguyên phụ trách đời sống mỹ thuật toàn khu cho hay: “Năm năm nữa sẽ kín không gian, hết vị trí đẹp. Khi đó, chúng tôi sẽ khai thác không gian công cộng nhỏ như ven sông, trong sảnh”.

Flamingo Đại Lải cũng đang đặt mục tiêu trong 10 năm nữa sẽ mở bảo tàng tư nhân. Nhưng sẽ lo phần tác phẩm trước rồi mới xây phòng trưng bày. Nguyên cho hay anh tâm huyết với dự án vì được quyền quyết mọi thứ, không có hội đồng nào đứng sau cả.

Mười họa sĩ Trịnh Minh Tiến, Phạm Tuấn Tú, Hà Mạnh Thắng, Mạc Hoàng Thượng, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Xuân Long, Nguyễn Sơn… được giao 10 container được gọi là modul để tha hồ trưng bày trang trí từ trong ra ngoài.

Hai họa sĩ gạo cội là khách mời danh dự của dự án là Nguyễn Quân và Nguyễn Xuân Tiệp. Nguyễn Quân thực hiện Bình phong của người. Mặt trước diễn tả thời gian được ước lệ thành quá khứ, hiện tại, tương lai. Trên đó, khát vọng tinh thần vĩnh cửu và dục cảm hữu hạn vừa tranh chấp vừa hài hòa cùng nhau. Mặt sau là đời sống con người qua không/thời gian tuần hoàn của 4 mùa với chủ thể là một sinh vật có thể sống được cả trên cạn, dưới nước và trên trời đang lơ lửng trong cõi dục với những mơ ước và khoái cảm. “Câu hỏi vũ trụ và bản thể vốn hấp dẫn vì không có lời giải. May ra có thể thẩm mỹ được”, ông kết luận. Nguyễn Xuân Tiệp nói ngắn gọn về tác phẩm Quả trứngThánh ca của mình: “Tôi muốn biểu đạt cuộc sống đầy sự trắc ẩn và một miền phiêu lãng”.

Nguyễn Quân - một trong những người có công mở ra trại sáng tác đầu tiên sau Mở Cửa tại Đại Lải 1986 - khen AIF “tốt” vì không quy định chủ đề. Ông ví dụ nếu tham gia trại sáng tác do tỉnh An Giang tổ chức chẳng hạn, các nghệ sĩ sẽ phải sáng tác theo chủ đề “An Giang tươi đẹp”, còn nếu ở Huế thì sẽ làm về sông Hương… “Điều quan trọng là tác giả yên tâm vì biết tác phẩm của mình nằm trong không gian như thế nào”, ông nói. “Trại cũng cũng đáp ứng mong muốn đưa nghệ thuật của mình vào đời sống của nghệ sĩ. Hy vọng có ích lợi cho công chúng về lâu dài”.

Tuấn Mami có tiếng qua những tác phẩm sắp đặt trình diễn lần này quay về với giá vẽ. Anh khen AIF tính chuyên nghiệp cao, đạt chuẩn quốc tế: “Trong hoàn cảnh kinh tế của nghệ sĩ Việt Nam khá eo hẹp, nên thường bị hạn chế về chất liệu, AIF cung cấp nguyên vật liệu chuẩn mực và tạo điều kiện cho tác giả phát triển chất liệu ở mức cao nhất. Cung cấp không gian chuyên biệt để họa sĩ sáng tác và trưng bày cũng rất quan trọng”. Họa sĩ sinh 1981 còn khẳng định chưa trại nào cung cấp từ bia, thuốc lá đến giặt đồ cho nghệ sĩ như AIF.