'Trách nhiệm kép' của ông Triệu Tài Vinh vụ gian lận thi ở Hà Giang

TPO - Trên cương vị Bí thư tỉnh ủy, ông Triệu Tài Vinh có trách nhiệm về những sai sót trong tổ chức cao nhất mà mình là người đứng đầu; đồng thời là người liên quan trực tiếp, nên trách nhiệm nêu gương còn phải được xem xét cao hơn cả những người khác.
Ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Uỷ ban Kiểm tra tỉnh Hà Giang vừa công bố danh sách cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến 29 trường hợp bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đáng lưu ý có bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc sở NN và PTNT, là vợ ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện đang là Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương. Lý do vi phạm là để “em chồng” (tức em gái ông Triệu Tài Vinh) tác động cho con được nâng điểm thi.

Đề cập đến trách nhiệm nêu gương của ông Triệu Tài Vinh, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, trong trường hợp này, người vợ đã có “kiểm điểm sâu sắc”, và người chồng cũng không thể tránh được trách nhiệm.

Nhưng theo ông Lượng, hiện ông Triệu Tài Vinh đã chuyển công tác và thẩm quyền xem xét là của trung ương, thậm chí còn cao hơn cả Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Còn phía Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy chỉ xem xét trong thẩm quyền, phạm vi của họ và sẽ có văn bản báo cáo gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư để xem xét theo thẩm quyền. Kỷ luật ông Triệu Tài Vinh ra sao thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ báo cáo để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét. Trong trường hợp xem xét ở hình thức cao hơn nữa thì phải đưa ra Trung ương.

“Ông Triệu Tài Vinh không thể đứng ngoài cuộc, chắc chắn không thể không xem xét trách nhiệm được, thậm chí sẽ còn phải xem xét một cách nghiêm túc đầy đủ hơn. Uỷ ban Kiểm Tra Trung ương sẽ vào cuộc khi có dấu hiệu vi phạm, rồi căn cứ vào tính chất mức độ sai phạm, Uỷ ban kiểm tra có thể thực hiện một số công việc thuộc thẩm quyền”, ông Lượng cho hay.

Là lãnh đạo cao cấp ở địa phương, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Triệu Tài Vinh có hai trách nhiệm: Một là người đứng đầu đảng bộ, phải có trách nhiệm về những sai sót trong tổ chức cao nhất mà mình là người đứng đầu. Thứ hai, ông Triệu Tài Vinh là người liên quan trực tiếp, nên trách nhiệm nêu gương còn phải được xem xét cao hơn cả những người khác nữa.

Còn việc xử lý theo hình sự hay hành chính, theo ông Lượng, tùy thuộc vào quy định của pháp luật. Hiện xử lý hình sự thì có các cơ quan tố tụng, còn đối với đảng viên thì có các tổ chức đảng. Hiện nay ở Sơn La, Hà Giang đang làm là xử lý dưới góc độ đảng viên. Còn hình sự hay không, cơ quan điều tra đang tiếp tục xem xét, thậm chí còn xem có tội hối lộ hay không?

“Vừa qua trước ý kiến của dư luận và các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an đã có những chỉ đạo nhất định, thậm chí điều tra bổ sung thêm tội đưa nhận hối lộ”, ông Lượng nói.