Trách nhiệm giải trình

TP - Ở ta, những vụ quan chức chẳng may bị mất trộm hầu hết đều có giá trị tài sản không nhỏ mà dân thường có nằm mơ cũng không thấy.

Có vị Giám đốc Sở Tài chính một tỉnh Tây Nguyên bị mất tới 65 lượng vàng hồi năm 2013 từng làm xôn xao dư luận phố núi. Hay xa hơn nữa, là vụ nhà một cán bộ thuế ở TPHCM bị trộm đột nhập lấy đi gần 6 tỷ hồi năm 2011.

Nay lại tới vụ vị Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT) bị mất trộm gần 400 triệu đồng khi đang đi thanh tra 30 doanh nghiệp tại tỉnh Long An.

Dù vị này thanh minh rằng, số tiền trên là do “vợ đưa để mang vào Sài Gòn cho em vợ”, song dư luận vẫn không khỏi bàn tán, xôn xao với nhiều câu hỏi xem ra cũng khó trả lời. Chính vì vậy, được biết lãnh đạo Bộ TNMT đã ngay lập tức yêu cầu ông Cục phó phải giải trình.

Yêu cầu của lãnh đạo Bộ TNMT trong tình huống này là hoàn toàn xác đáng, bởi trước hết, một khi có dư luận liên quan thì trách nhiệm của cán bộ là phải giải trình minh bạch để công khai trước công luận.

Sau nữa, việc xuất hiện một số lượng tiền mặt lớn trong quá trình đi thanh tra doanh nghiệp là một tình huống khá nhạy cảm, do vậy cần phải được làm rõ. Nếu đúng đây là số tiền có nguồn gốc hợp pháp, người cần được giải trình và làm rõ, hơn ai hết sẽ chính là ông Cục phó nói trên.

Ngẫm ra, đã mang trên mình trọng trách “công bộc” của dân, trách nhiệm giải trình là điều không thể tránh khỏi !

Từ chuyện nhỏ như ứng xử của bà Phó Chủ tịch một quận ở Hà Nội khi đi ăn bún buổi trưa dạo trước, hay phát ngôn “không biết luật về rừng U Minh mà ở” của ông Phó Chủ tịch quận 1 (TPHCM) mấy ngày qua, tới chuyện lớn như tiền bạc, tài sản như của vị Cục phó một cục ở Tổng cục Môi trường hiện nay. Tất cả đều cần phải được giải trình minh bạch, công khai trước dân.

Khi nào trách nhiệm giải trình trở thành một thứ văn hóa không thể thiếu của mỗi vị quan chức, khi đó uy tín bản thân họ và cả bộ máy công quyền ắt dâng cao trong lòng dân chúng.