Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, sáng 9/12, thường trực UBND thành phố đã thông qua báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; HĐND thành phố cũng báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Thông tin kết quả thực hiện nghị quyết trong 2 năm qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các cơ quan, đơn vị được tiến hành khẩn trương, tinh gọn; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền được tăng cường, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị, công chức tại TPHCM được phân bổ chưa phù hợp với vị trí việc làm. Trong khi đó, khối lượng công việc từng vị trí, quy mô dân số lớn và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có ảnh hưởng đến việc phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách đã làm hạn chế sự chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển KT - XH, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, các nhiệm vụ phát sinh đột xuất trên địa bàn.
Trao đổi thêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, công tác xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền điện tử, chính quyền số đã đạt các kết quả cơ bản của chính quyền đô thị. Đến nay đã thực hiện đúng tiến độ và đi vào nề nếp.
Về vấn đề liên quan đến công chức, ông Hoan nhìn nhận các huyện, xã ở TPHCM có tính chất công việc còn phức tạp và nhiều hơn ở phường nhưng vẫn bị xem là công chức xã, dẫn đến quá tải trong hoạt động của đội ngũ công chức, không quán xuyến được hết các lĩnh vực...
“Thành phố cũng kiến nghị Trung ương cho phép xây dựng đề án bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo số lượng và năng lực để đáp ứng yêu cầu ở xã có đông dân cư, có điều kiện tự nhiên và xã hội rất đặc thù ở TPHCM"- ông Hoan nói.
Trao đổi làm rõ thêm nội dung trên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết khi tiến hành sơ kết 1 năm, thành phố đã nhận ra vấn đề về thí điểm để phát huy hơn nữa, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ. Từ đó, thường trực UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ và hiện tại đang nghiên cứu để sớm trình đề án với các nội dung trọng tâm. Theo đó, rà soát lại để đề xuất về công tác tuyển dụng gắn với chính sách thu hút nhân tài, chú trọng đến cơ chế động viên cán bộ, công chức viên chức có năng lực nổi trội trong hệ thống.
Về tổ chức chính quyền đô thị, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận yêu cầu phát huy quyền làm chủ của người dân khi không tổ chức HĐND ở quận, phường, cần nâng cao vai trò giám sát, kiểm soát của người dân. Ông cho rằng phải tăng cường trách nhiệm và công khai, minh bạch quy trình kết quả.
Cùng với đó, còn phải tạo được sự chủ động, nhất là chủ động về ngân sách cho quận, phường. “Sắp tới chúng ta sẽ đề nghị điều này vào nghị quyết thay Nghị quyết 54 nhằm tăng cường hơn nữa sự chủ động cho chính quyền cấp phường, xã”, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói.
Chia sẻ làm rõ những nội dung liên quan đến Nghị quyết 131, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng việc phân bố con người để thực hiện nhiệm vụ chưa phù hợp. “Qua giám sát thì thấy các cán bộ, công chức phải gắn nhiều việc. Có trường hợp một cán bộ trong ngày phải giải quyết 3 hồ sơ. Hay một cán bộ, công chức ở phường cần đi thực tế, cán bộ ở sở cũng phải đi thực tế thì thực sự không có thời gian vì đã khá bận rộn với các hồ sơ”, bà Kim Dung dẫn chứng và đề xuất UBND thành phố có kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế đặc thù cho thành phố đông dân cư, năng động, đi đầu như TPHCM.
Nêu thực tế thực hiện cán bộ không chuyên trách, đại biểu này cho rằng đây thực sự là “chuyên trách” vì có khi cán bộ phải làm việc đến 7 – 8 giờ tối và cả ngày thứ 7, Chủ nhật, dẫn đến việc họ bị cuốn vào công việc, mất đi sự sáng tạo vì không có thời gian tái tạo sức lao động, đồng thời cũng không có thời gian chăm lo cho gia đình.