> Cà Mau, Bạc Liêu chủ động đối phó với bão số 13
> Cho học sinh nghỉ để tránh bão số 13
Sơ tán 2.000 người dân về nơi an toàn
20 giờ tối 6/11, áp thấp nhiệt đới chưa vào đất liền nhưng tại nhiều khu vực ở TPHCM đã bắt đầu có mưa khá lớn kéo dài cùng gió mạnh.
Tại quận 9, nhiều hàng quán, cửa hiệu, nhà dân đóng cửa sớm để đề phòng gió giật tung mái. Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, để đảm bảo an toàn, khi có mưa to, gió lớn, người dân cần tìm nơi tránh trú an toàn, hạn chế tối đa đi lại trên đường, tránh xảy ra tai nạn do cây xanh, trụ điện, biển quảng cáo ngã đổ. Trong thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhân dân thành phố tạm thời hạn chế di chuyển đến vùng biển Cần Giờ.
Sáng ngày 6/11, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã xuống huyện Cần Giờ chỉ đạo công tác ứng phó. Rất đông bà con từ các nơi đã được đưa về 5 địa điểm tạm cư, gồm Nhà thiếu nhi, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trung tâm văn hóa, Liên đoàn lao động huyện. Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An), cho biết cả nhà 4 người được lực lượng chức năng đưa vào bờ từ đêm 5/11. Nơi tạm cư tuy hơi bất tiện nhưng sạch sẽ. Lương thực, thực phẩm nước uống chu cấp cho bà con đầy đủ.
Theo ông Lê Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, đến đầu giờ chiều 6/11, huyện Cần Giờ đã hoàn tất các công tác ứng phó. UBND huyện huy động lực lượng liên ngành đã giúp bà con chằng chống, gia cố nhà cửa, hướng dẫn cho 1.350 tàu thuyền và 40 tàu đánh bắt xa bờ vào neo đậu an toàn.
Từ chiều 5 đến sáng 6/11, UBND huyện Cần Giờ đã sơ tán hơn 2.000 người dân đến nơi an toàn, trong đó có hơn 1.600 người dân ở xã đảo Thạnh An được đưa về thị trấn Cần Thạnh tạm cư. UBND huyện Cần Giờ đã chuẩn bị 750 thùng mì, 2 tấn gạo, 70 chai nước suối, 3.600 chai dầu gió, 2.000 quả trứng để cung cấp cho người dân trong những ngày tránh bão. Cty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ và Coop Mart Cần Giờ chuẩn bị 33 tấn gạo, 1.000 thùng mì gói.
Tạm ngưng mọi hoạt động giảng dạy và học tập
Thầy Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng trường tiểu học Thạnh An cho biết: 340 học sinh của trường đã được nghỉ học trong ngày 6/11 để đảm bảo an toàn. Các trang thiết bị như bàn ghế, máy tính, hồ sơ sổ sách cũng được di chuyển đến nơi khô ráo.
Trong ngày 6/11, Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM đã có hai công văn khẩn yêu cầu hiệu trưởng các trường học tạm ngưng mọi hoạt động giảng dạy và học tập từ 16 giờ, nghiêm cấm học sinh di chuyển bằng đường sông, các hoạt động tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại Cần Giờ... cho đến khi có thông báo mới
Tuy nhiên, ngay từ trưa 6/11, nhiều trường học ở quận 9, Thủ Đức, quận 10, quận 11… đã thông báo phụ huynh đến trường đón con. Tại trường tiểu học Phước Bình (quận 9), bà Lê Thị Châu, công nhân nhà máy dệt Phong Phú cho biết, nhiều phụ huynh phải xin nghỉ việc buổi chiều để trông nom các cháu.
Đối với giao thông đường thủy, từ chiều 5/11, TPHCM nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Sáng 6/11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM (PCLB TKCN) tiếp tục cấm đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng hoạt động cho đến khi có lệnh mới.
* Để chủ động đối phó cơn bão số 13, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) đã thực hiện việc sơ tán dân cư các vùng có nguy cơ cao ven biển trước 13 giờ ngày 6/11. Các tàu chở khách, chở hàng hóa ngưng hoạt động, các trường cho học sinh nghỉ học từ chiều 6/11.
* Toàn bộ 20 chuyến bay đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh trong ngày 6/11 đã phải ngưng lại, do thời tiết xấu. Từ 6 giờ sáng ngày 7/11, nếu thời tiết trong khu vực cho phép, các chuyến bay đi và đến Cam Ranh sẽ được khai thác trở lại.
* Đại úy Nguyễn Văn Tuyến, Chính trị viên phó Hải đội 812 Vùng 2 Hải quân cho biết, tàu HQ-608 của hải đội đã cứu thành công hai tàu cá KH-92116 và KH-96778 bị chết máy trôi dạt trên biển.
* Tỉnh Tiền Giang đã cho học sinh các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, và 2 xã Bình Đông, Bình Xuân của TX Gò Công ở vùng ven biển, nghỉ học chiều 6/11. Đồng thời, tích cực gọi vào bờ hơn 1.300 tàu đánh cá trên biển với hơn 8.300 ngư phủ.
* Ngày 6/11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, kêu gọi 194 tàu thuyền với 987 lao động biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển và tìm nơi tránh trú.
* Ngày 6/11, ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã liên lạc được 384 tàu cá với hơn 2.700 ngư phủ vào nơi trú ẩn để tránh bão số 13.
* Sáng ngày 6/11, báo Tiền Phong đã phối hợp với UBMTTQ tỉnh Nghệ An trao 32 thùng mì tôm, 16 bì quần áo và hai thùng bánh kẹo đến bà con vùng lũ thị xã Hoàng Mai. Đây là những hàng hóa, hiện vật do bạn đọc báo Tiền Phong tại các tỉnh phía Bắc quyên góp. Trước đó, với tinh thần tương thân tương ái, báo Tiền Phong đã cùng đồng hành với bạn đọc trong cả nước chia sẻ với người dân vùng lũ với nhiều đợt quyên góp, hỗ trợ quà, tiền mặt có giá trị hàng trăm triệu đồng trong đợt lũ lụt hai cơn bão số 10 và 11 vừa qua.
Cứu ngư dân đau ruột thừa giữa biển động
Đến 6 giờ 30 sáng 6/11, tàu SAR 412 (Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực II, gọi tắt Danang MRCC) cập cầu cảng an toàn, đưa ngư dân Trần Bá Duy (33 tuổi, Quảng Ngãi, tàu cá QNg 92174TS) cấp cứu kịp thời, sau hành trình gần 24 giờ vượt sóng cứu nạn. Trước đó, ngày 5/11 trong khi đang đánh bắt cá ngoài biển, anh Duy bất ngờ bị đau quặn bụng kéo dài. Nhận tin báo, Danang MRCC nối máy trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, các bác sỹ chẩn đoán Duy bị đau ruột thừa cần phải đưa vào bờ gấp.