Bệnh hiếm gặp, chết đột ngột?
Chiều 5/4, thân nhân chị Đặng Thị Ngọc Thảo (33 tuổi, quê Tiền Giang) tập trung khá đông tại Bệnh viện huyện Bình Chánh yêu cầu làm rõ nguyên nhân khiến chị Thảo tử vong.
Theo gia đình, khoảng 2h sáng cùng ngày, chị Thảo vào bệnh viện để sinh con. Đến 4h30, người nhà được thông báo chị Thảo sinh một bé trai. Sau đó không lâu, bệnh viện lại cho biết sức khỏe sản phụ sau sinh không tốt. Gia đình nhiều lần đề nghị cho chị Thảo chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh viện từ chối. Bệnh viện cho rằng bác sĩ tại đây có thể xử lý được. Và đến khoảng 7h, bệnh viện đưa ra tin sét đánh chị Thảo đã tử vong.
Một nguồn tin từ Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết, nguyên nhân tử vong của chị Thảo có thể do rối loạn cơ chế đông máu (?). Tuy nhiên, cần phải chờ kết quả giám định pháp y mới có thể xác định chính xác.
Trước đó chỉ một ngày, sáng 4/4, ông Dương Văn Tài (49 tuổi, ngụ phường Tân Kiểng, quận 7, TPHCM) bị đau bụng và tự chạy xe gắn máy chở theo vợ đến Bệnh viện quận 4 khám bệnh. Sau khi xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, chưa loại trừ khả năng viêm ruột thừa nên cho lên khoa ngoại theo dõi.
Tại khoa ngoại, điều dưỡng cho ông Tài uống các loại thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa và thuốc chống co thắt. Vài phút sau, bệnh nhân bỗng khó thở, tím tái. Ông Tài được chuyển xuống phòng cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Trường hợp tử vong bất thường khác là ông Nguyễn Anh Bảo (45 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) nhập viện vì đau bụng sáng 28/3, được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa nhưng chiều cùng ngày tử vong. Bệnh viện quận 7 kết luận ông Bảo chết do vỡ túi phình quai động mạch chủ ngực. Theo bệnh viện, đây là một dị tật bẩm sinh rất hiếm gặp. Y văn ghi nhận tỷ lệ dưới 2 ca/100 nghìn bệnh nhân. Bệnh lý này khó phát hiện vì không có triệu chứng, xuất hiện lâu năm trong cơ thể và khi vỡ ra thì tử vong 100%.
Hội đồng cấp sở sẽ đưa ra kết luận
Theo thông tin của Tiền Phong, trong quá trình theo dõi tại khoa nội tổng quát Bệnh viện quận 7, ông Bảo được tiêm 1 ống thuốc giảm đau và đặt lưu ven cấp cứu. Bệnh viện khẳng định kết quả mổ tử thi cũng loại trừ khả năng sốc thuốc.
Tương tự, tuy còn đang chờ kết quả giám định pháp y, phía Bệnh viện quận 4 cũng nghiêng về khả năng khiến ông Tài tử vong có thể liên quan đến bệnh lý vỡ động mạch tim (?). Khi bị báo chí chất vấn tại sao biết ông Tài có tiền sử cao huyết áp và thiếu máu tim cục bộ mà không làm các xét nghiệm liên quan tim mạch, bệnh viện cho rằng chưa kịp đo điện tim thì bệnh nhân đã tử vong.
Trao đổi với chúng tôi chiều 7/4, Sở Y tế TPHCM khẳng định sẽ làm rõ các vụ tử vong xảy ra tại các bệnh viện nói trên. Ngay khi nhận được thông tin từ báo chí, sở đã yêu cầu các bệnh viện báo cáo nhanh và chỉ đạo bệnh viện lập hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân. Sắp tới, đối với 2 ca tử vong tại Bệnh viện quận 7 và quận 4, ngoài kết luận của hội đồng chuyên môn bệnh viện, Sở Y tế thành phố cũng sẽ lập hội đồng chuyên môn cấp sở để kết luận về trường hợp tử vong của ông Bảo và ông Tài. Riêng vụ việc sản phụ tử vong sau sinh tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, sở đang chờ báo cáo từ bệnh viện.
Trong khi chờ kết luận cuối cùng từ Sở Y tế TPHCM, gia đình những người vừa qua đời hết sức đau buồn và hoang mang về khả năng chẩn đoán, xử trí tình huống diễn tiến bệnh của các bệnh viện quận, huyện.
Chuyên gia tim mạch tại một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế ở TPHCM cho phóng viên Tiền Phong biết, các bệnh lý vỡ túi phình quai động mạch chủ ngực hoặc động mạch tim rất khó chẩn đoán. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng theo chuyên gia này, ông chưa bao giờ thấy hiện tượng “vỡ túi phình quai động mạch chủ ngực” xảy ra trên một bệnh nhân còn quá trẻ như ông Bảo, chỉ mới 45 tuổi. Đây là bệnh lý chỉ gặp ở những người trên 65 tuổi và cũng cực kỳ hiếm ở lứa tuổi này.