1.100 đại biểu chính thức được triệu tập
Diễn ra từ ngày 1 - 3/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (thành phố Hà Nội), Đại hội Công đoàn lần thứ XIII có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 - 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII và bầu Ban Chấp hành khóa mới; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Về thành phần, có 1.100 đại biểu chính thức được triệu tập. Độ tuổi bình quân đại biểu là 47 tuổi, trong đó đại biểu cao tuổi nhất là 71 tuổi, trẻ tuổi nhất là 26 tuổi.
Đại biểu có trình độ sau Đại học (Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ) là 384 người (35.39%); đại học, cao đẳng 554 người (51.06%); đại biểu có trình độ Trung cấp trở xuống 147 người (13.55%).
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn cho biết, đến ngày 3/11, đã hoàn thành việc tổ chức đại hội công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, sau khi hoàn thành việc tổ chức đại hội công đoàn cơ sở và đại hội công đoàn cấp trên cơ sở.
Năm năm qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Quy mô tổ chức được mở rộng, chất lượng một số mặt công tác được nâng lên, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng chủ động, linh hoạt; đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, trong nhiệm kỳ đã có trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn. Phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ quan dân cử, nhất là Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Cũng trong 5 năm qua đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.
“Tháng Công nhân” hàng năm được triển khai rộng khắp, đổi mới về hình thức, thiết thực về nội dung; tập trung tuyên truyền về vai trò, sức mạnh, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, về tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Trong 5 năm có trên 189.000 lượt công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động Tháng Công nhân, năm sau cao hơn năm trước với hàng triệu lượt công nhân đã tham gia hưởng ứng.
Hết nhiệm kỳ mục tiêu cả nước có 15 triệu đoàn viên
Mục tiêu nhiệm kỳ 2023 – 2028 được đặt ra là đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.
Chỉ tiêu phấn đấu hàng năm: 85% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Đồng thời, 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp; 100% chủ tịch công đoàn cơ sở bầu mới được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp.
Chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; có ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Đồng thời có ít nhất 90% số vụ việc tranh chấp tại tòa án của đoàn viên có yêu cầu đại diện công đoàn tham gia hoặc hỗ trợ về pháp lý được đáp ứng.
Về công tác nhân sự, được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII dự kiến trình Đại hội: số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động khóa XIII là 177 người; Ủy viên Đoàn Chủ tịch 31 người; Chủ tịch; 5 Phó Chủ tịch; Ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XIII là 19 người.
Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.