Được gọi tên là Clawdia, con tôm hùm được một người dân đưa đến trung tâm tôm hùm quốc gia ở Cornwall nước Anh để nở trứng.
Khi được mang đến trung tâm bảo tồn, con tôm hùm trong tình trạng mang trứng, thiếu một bên càng và chân do chiến đấu với những con tôm hùm khác, sức khỏe rất yếu ớt. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, con tôm đã mọc lại đầy đủ các chi.
Các chi, càng tôm mọc lại đầy đủ chỉ sau 1 tháng, trong khi con tôm bình thường cần vài năm mới có thể mọc lại tất cả các bộ phận này
Ben Marshall - một kỹ thuật viên cao cấp tại trung tâm cho biết mặc dù việc tái sinh chân, càng là hiện tượng bình thường của tôm hùm nhưng chúng chỉ diễn ra trong tự nhiên, còn trong môi trường nuôi ở đây, tất cả các chi mọc lại một cách nhanh chóng chỉ trong 1 lần lột xác là điều không thể nào tưởng tượng nổi.
Bob Bayet - Giám đốc Viện nghiên cứu Tôm hùm tại Trường ĐH Maine (Mỹ) - cho biết: “Tôm hùm có khả năng tái sinh chân càng của chúng nhưng quá trình này sẽ diễn ra trong vài lần lột xác và nhiều năm để có được kích thước đầy đủ”. Con tôm hùm này sẽ ở lại trung tâm bảo tồn cho đến khi đẻ xong cũng như chờ lớp vỏ của nó cứng cáp lại.
Tôm hùm thuộc loài động vật giáp xác. Quá trình lột xác diễn ra khi các mô trong cơ thể hấp thụ nước và nở ra làm vỡ lớp vỏ bên ngoài. Mỗi lần lột xác mất từ vài giờ đến vài tuần và giúp chiều dài tôm tăng lên đến 15% cũng như trọng lượng của nó có thể tăng gấp đôi. Các phần phụ như càng, chân cũng có thể được tái sinh qua quá trình lột xác.
Cận cảnh tôm hùm lúc mất chân, càng
Sau khi lột xác, tôm hùm thường ăn lại vỏ cũ của mình nhằm cung cấp thêm calcium cần thiết để làm cứng lớp vỏ mới. Tôm hùm non thường lột xác đến 5 lần/năm, trong khi đó tôm hùm trưởng thành thường 2 năm lột xác 1 lần.
Theo H.Vũ