'Tổ quốc nhìn từ biển…': Chung tay bảo vệ sơn hà

TP - Một trong những kỷ niệm mà Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân nhớ nhất trong hành trình đưa kiều bào ra thăm Trường Sa là câu chuyện về cựu thiếu úy biệt động quân Nguyễn Ngọc Lập của chế độ Việt Nam Cộng hòa hiện đang sinh sống tại Mỹ. Trong suốt chuyến đi năm đó, ông Lập luôn mang theo mặc cảm hận thù. Thế nhưng một “biến cố” xảy ra đã khiến người này thay đổi.

Với chủ đề “Tổ quốc niềm tin và khát vọng - Lần thứ 10, kiều bào về Trường Sa”, chuyến hải trình mang con số ý nghĩa là thành quả sau 11 năm hoạt động tích cực của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNN về NVNONN) và Bộ tư lệnh Hải quân. Hai trong số những người có đóng góp lớn trong những hành trình này từ những ngày đầu là ông Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm UBNN về NVNONN và Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân. Đây cũng là hai vị khách đặc biệt trên chuyến tàu 571 lần này.

Cảm hóa và hòa hợp

Đại biểu đoàn công tác số 4 tặng sách, truyện, bánh kẹo cho các em nhỏ ở đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Nguyễn Minh

Gắn bó với mặt trận ngoại giao hàng chục năm, nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Thanh Sơn cho biết ông là người đưa ra ý tưởng này từ năm 2012, sau nhiều năm khảo sát, đánh giá tình hình và nghiên cứu tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào. Ông kể: “Đây là công việc rất có lợi cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia cũng như phục vụ rất tốt trong thông tin tuyên truyền đối ngoại về vùng Biển Đông của chúng ta thông qua hải trình Trường Sa. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng này và kiến nghị với Chính phủ. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, Thủ tướng cũng như các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước hoàn toàn ủng hộ và cho làm thí điểm chuyến đi đầu tiên vào năm 2012”.

“Quan điểm nhìn nhận của những người có tư tưởng cực đoan chống đối chúng ta thay đổi một cách rất rõ ràng ngay sau khi thăm Trường Sa là bởi vì họ tận mắt chứng kiến sự thật chứ không còn nghe những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc như trước đây”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn

Theo ông Sơn, một trong những lập luận được ông trình bày với Chính phủ khi đó là vùng Biển Đông là vùng lãnh hải của chúng ta. Việc đưa bà con kiều bào tới tận mắt chứng kiến công tác bảo vệ chủ quyền đang được thực hiện một cách vững chắc là minh chứng sống để bà con thấy những luận điệu xuyên tạc về việc “dâng biển, bán đất cho nước ngoài” là hoàn toàn không đúng. Đồng thời cũng sẽ đập tan những xuyên tạc về chính sách đối ngoại cũng như chính sách về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

“Chuyến đi đầu tiên năm 2012 có thể nói đã đem lại sự ngỡ ngàng cho cả trăm kiều bào từ hàng chục quốc gia trên thế giới tham gia hành trình. Bà con ngỡ ngàng khi thấy chúng ta đang xây dựng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng trên vùng lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc rất tốt. Sau chuyến đi này, kiều bào đã có các triển lãm trưng bày những hình ảnh sống động đầu tiên về việc chúng ta vẫn giữ nguyên từng mét đất trên đảo, từng sải nước trong những vùng lãnh hải mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền”, ông Sơn nói.

Trong bốn chuyến đưa kiều bào ra thăm Trường Sa mà nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trực tiếp tham gia hành trình, chuyến đi năm 2014 (thăm 9 đảo và 2 nhà giàn) được ông đánh giá mang ý nghĩa rất sâu sắc, vừa mang tính chất đoàn kết dân tộc, đồng thời cũng thể hiện bản chất rất bao dung, độ lượng của người dân trong nước, của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Trong hải trình năm ấy, nhiều thành phần tham gia vào các tổ chức chống Cộng cực đoan và những trường hợp trực tiếp tổ chức các hoạt động chống phá đất nước cũng đã được mời tham dự.

“Một trong những người có hận thù, chống đối quyết liệt là kiều bào Davis Đức ở Mỹ. Sau khi thăm đảo Trường Sa lớn - đảo cuối cùng trước khi về đất liền, tại buổi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ của đảo, anh ấy đã xúc động nói: Thực tế lần này tôi về là tôi muốn xem Chính phủ Việt Nam có che giấu không, nói đúng hay sai… nhưng đến bây giờ tôi muốn đứng trong hàng ngũ cán bộ, chiến sỹ ngoài đảo cùng cầm súng bảo vệ vững chắc lãnh hải của chúng ta”, ông Sơn nhớ lại.

Đồng tâm nhất trí

Quyết định hủy bỏ chuyến đi du lịch tới Maroc cùng bạn bè và người thân để tham gia hành trình đặc biệt này, Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái cho biết đây là lựa chọn mà ông tâm đắc bởi nhiều lý do. Trong đó, có một chi tiết mà ông nhiều lần nhắc lại trong cuộc trò chuyện với tôi là chuyến đưa kiều bào đầu tiên và lần thứ 10 tới thăm Trường Sa cũng được thực hiện bởi chính con tàu mang tên Trường Sa 571.

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân và kiều bào trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đảo chìm Len Đao. Ảnh: Nguyễn Minh

Nhập ngũ năm 17 tuổi, ông Thái từng tham gia bảo vệ quần đảo Trường Sa trong màu áo Hải quân vào năm 1989 - một năm sau khi diễn ra sự kiện bi tráng 14/3/1988. Gắn trọn đời binh nghiệp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, vị tướng Hải quân có trí tuệ mẫn tiệp với học hàm, học vị Phó Giáo sư - Tiến sĩ luôn đau đáu về việc củng cố và gia tăng sức mạnh vững chắc của quân dân Trường Sa và nhà giàn DK1 bằng nhiều nguồn lực, biện pháp.

Theo ông Thái, sau năm 1975, giữa cộng đồng NVNONN và trong nước có một khoảng cách trong nhận thức, hiểu biết về tình hình đất nước nói chung và vấn đề chủ quyền biển đảo nói riêng. Thậm chí, điều này cũng xảy ra trong nước. Ông nói: “Biển Đông là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Bản thân vấn đề đã khó, cho nên nhận thức của từng người dân về vấn đề biển đảo cũng khác nhau. Có người nhận thức đầy đủ, có người nhận thức phiến diện. Chính vì vậy, khi kiều bào ra Trường Sa, DK1 họ sẽ thấy được những năm qua đất nước đã làm được những gì trong vấn đề khẳng định chủ quyền, thực thi chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông”.

Một trong những kỷ niệm mà ông Thái nhớ nhất trong hành trình đưa kiều bào thăm Trường Sa là câu chuyện về cựu thiếu úy biệt động quân Nguyễn Ngọc Lập của chế độ Việt Nam Cộng hòa đang sinh sống tại Mỹ. Trong suốt chuyến đi ấy, ông Lập luôn mang theo mặc cảm hận thù. Thế nhưng một “biến cố” xảy ra đã khiến người này tâm phục, khẩu phục. Chuyện là gần cuối hành trình, ông Lập bị viêm cầu thận cấp, khi tàu về gần đảo Trường Sa thì một chiếc thủy phi cơ DHC-6 của Không quân Hải quân bay từ Cam Ranh ra làm nhiệm vụ. Ông Thái (khi đó là Đại tá, Phó Tham mưu trưởng Hải quân) đã báo cáo tình huống lên cấp trên và đề nghị cho ông Lập bay về đất liền chữa trị rồi sau đó bay tiếp vào TPHCM bằng máy bay dân dụng...

“Khi đoàn về tới TPHCM và gặp ông Lập ở đó, ông ấy đã nói với tôi: “Chúng tôi thua các ông là đúng rồi”. Và khi trở lại Mỹ, ông Lập có những phát ngôn vô cùng thuận lợi cho chúng ta trong việc đàm phán những chính sách. Nếu chúng ta cởi mở, chân thành, sẵn sàng chia sẻ với nhau thì sẽ hiểu nhau hơn, đồng tâm nhất trí thì mới làm được”, ông Thái hồi tưởng lại.

(Còn nữa)