> Thu phí bảo trì đường bộ, cước vận tải sẽ leo thang
> Sẽ điều chỉnh việc thu quỹ bảo trì đường bộ
Công an, tổ dân phố đều… ngán
Là tổ dân phố có lượng nhân khẩu vào hàng đông nhất và thường xuyên đạt danh hiệu phường văn minh, hiện đại, nhưng khi nói đến việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, ông Đào Duy Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm lắc đầu: “Đây là việc không khả thi”.
Theo ông, chưa đề cập đến xe mua đi, bán lại, chỉ riêng lượng nhân khẩu nhập cư (KT2) trên địa bàn cũng rất nhiều. Xe của họ đa số mang từ các tỉnh đến, nếu thu không biết triển khai thế nào?
Mức phí 50 nghìn đến 150 nghìn đồng/ năm so với thu nhập chung của người dân thành thị không phải cao.
Nhưng nghĩ đến chuyện mỗi khi ra đường phải mang theo bao nhiêu thứ giấy tờ, biên lai chứng minh tuân thủ pháp luật, thật không văn minh chút nào”, ông Tiến nhìn nhận.
Đại diện nhiều tổ dân phố tại Hà Nội còn cho rằng, so với ôtô phí thu từ xe máy không đáng bao nhiêu, hơn nữa khi thực hiện việc này mỗi phường xã lại phải tăng thêm bộ máy, nhà nước lại chi thêm ngân sách.
“Do thấy không hợp lý nên mới nghe thông tin người dân đã phản ứng mạnh. Nếu sau này thực hiện, dân không nộp, công an, tổ dân phố phải đi thu và "hứng" chửi thì sao?” - ông Lê Thanh Bình phó tổ trưởng tổ dân phố số 5, phường Nguyễn Du - quận Hai Bà Trưng bình luận.
Tổ dân phố không có chức năng thu phí
Ông Hồ Văn Ưu-Tổ trưởng tổ 6 khu dân phố số 1 phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, theo quy định hiện nay tổ dân phố không có chức năng thu phí đường bộ.
“Nếu chưa có sự chuẩn bị tốt thì hãy lui thời gian thực hiện lại. Bởi lẽ, thực hiện thiếu sự chuẩn bị đều sẽ không hiệu quả, dễ dẫn tới tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", chỉ tổ làm mất uy tín chính quyền và giảm hiệu lực thực thi của pháp luật của Nhà nước.
Hiện Quyết định số 42/2010 của UBND TP Hà Nội về Quy chế tổ chức hoạt động của tổ trưởng dân phố trên địa bàn thành phố, tại điều 2 có quy định: Tổ dân phố không phải là một cấp hành chính, xuyên suốt trong 24 điều trong bản quy chế này thì chức năng nhiệm vụ duy nhất của tổ trưởng dân phố là vận động người dân tự giác chấp hành các quy định Nhà nước.
“Tổ trưởng dân phố như tôi sẽ không có chức năng để đi thu phí của dân. Giả định thành phố có quy định giao nhiệm vụ cũng không khả thi” - ông Ưu nói.
Là lực lượng sẽ trực tiếp thống kê, lên danh sách xe máy để thực hiện, nhưng trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Dũng Tiến, Phó trưởng Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm cho biết: Ông chưa nhận được kế hoạch triển khai.
Nhưng theo ý kiến của nhân dân mà công an phường nhận được: phí xe máy cứ tính vào xăng là công bằng nhất, ai đi nhiều thì trả nhiều và ngược lại. Còn ông Nguyễn Hải, Trưởng công an phường Kim Liên, quận Đống Đa nhấn mạnh: Đây là chính sách quá xa rời thực tiễn.
Chiều 21-12, đại diện Bộ Tài chính cho biết, vừa có văn bản hỏa tốc số 17467 gửi các tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phí Bảo trì đường bộ từ 1-1-2013.
Bộ Tài chính đề nghị xây dựng mức thu phí, tỷ lệ để lại tiền thu phí thu được cho đơn vị thu phí đối với xe mô tô phù hợp với khung mức thu tại Thông tư.
Phản ứng với văn bản hỏa tốc này Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu phí phải theo quy trình và phải được HĐND các địa phương thông qua, tuy nhiên hầu hết các địa phương đã triển khai kỳ họp HĐND cuối năm. Do vậy việc thu phí xe máy không thể triển khai vào 1-1-2013 tới.
“Để triển khai loại phí này cần ít nhất 3 đến 5 tháng nữa, khi địa phương họp HĐND kỳ đầu năm và thu phí xe máy được thông qua”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh.