Tổ chức bảo tồn quốc tế lên tiếng vụ ‘xóa sổ’ Khu bảo tồn Tiền Hải

TPO - Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, việc thu hẹp tới 90% Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải cần hết sức thận trọng, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện WWF Việt Nam cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không chỉ là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng mà còn là 1 trong 63 là vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận.

IBA quan trọng không chỉ đối với các loài chim, mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động vật, với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ hoặc cung cấp tài nguyên thiên nhiên.

Trích dẫn các khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển (CRES), WWF cho biết, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao, đây là nơi cư trú của hơn 150 loài chim nước, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, cò thìa và mòng bể mỏ đen.

Đặc biệt có 8 loài chim và 2 loài động vật (rái cá và cá thủ vàng) thuộc loài đặc hữu quý hiếm. Khu Bảo tồn cũng là nơi sinh sống của hơn 100 loài thủy sinh bao gồm hơn 80 loài cá và 20 loài giáp xác, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm sú, ngao, cua, cá vược, cá đối. Ngoài ra còn có hơn 180 loài cây rừng ngập mặn (sú, vẹt, bần, mắm....).

Ngoài ra, Khu bảo tồn Tiền Hải nằm về phía bắc cửa biển sông Hồng, phía nam cửa sông là VQG Xuân Thủy. Hai khu vực này có thể duy trì một đơn vị sinh thái liên tục.

"Từ năm 1989, VQG Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Ngày 24/1/1995, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Công văn số 14/Tmg, mở rộng khu vực Ramsar bao gồm cả cồn Vành và cồn Thủ, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải", đại diện WWF nêu.

Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Trường Hùng.

Với tầm quan trọng như vậy, WWF cho rằng, sự thay đổi diện tích, cũng như tác động tiêu cực có thể mang đến cho các hệ sinh thái tự nhiên ở một Khu bảo tồn hay một Khu rừng đặc dụng cần phải tuân thủ theo các quy định luật pháp của nhà nước Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp, 2017), về bảo tồn đa dạng sinh học (Luật Đa dạng Sinh học, 2018-Văn bản hợp nhất), bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (Nghị định 66/2019/NĐ-CP) cũng như các công ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và đang tích cực tham gia.

“Đặc biệt cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế. Do đó, việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan”, đại diện WWF lên tiếng.

Đại diện WWF cho biết thêm, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn, sẽ là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển.

Đồng thời các hệ sinh thái ven biển cũng là những nơi cung cấp dinh dưỡng, nơi sinh cư, bãi sinh sản của nhiều loài động vật thuỷ sinh, đây cũng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân ven biển trong các hoạt động canh tác, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.

Vì vậy, “WWF–Việt Nam rất mong các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay góp sức để bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững và phát triển bền vững để bảo tồn những di sản thiên nhiên và văn hoá quý giá của đất nước”, đại diện WWF chia sẻ.

Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 731 xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, còn gọi là Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Quyết định này thu hẹp quy mô khu bảo tồn từ 12.500ha xuống còn 1320ha. Việc thu hẹp quy mô khu bảo tồn nhằm mục đích phục vụ quy hoạch Khu Kinh tế Thái Bình, trong đó có dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ.

Quyết định này được các chuyên gia môi trường nhận định đi ngược với các quy hoạch về rừng đặc dụng, về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, đi ngược các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia như Công ước Ramsar, Công ước đa dạng sinh học, đặc biệt là cam kết NetZero vào năm 2050.