Tình trạng 'Bộ trong Bộ' sau sáp nhập càng nặng nề thêm

TPO - Theo Bộ Nội vụ, tình trạng “Bộ trong Bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước, càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

13 tỉnh, thành đề nghị lập Sở Du lịch

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030. Liên quan đến vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cho biết, một số địa phương đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh hoặc thí điểm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình

Đơn cử, TPHCM đã điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải khác với Nghị định số 24; điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ của các phòng Tài chính - Kế hoạch, Văn hóa - Thông tin, Kinh tế khác với Nghị định số 37; 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Sở Du lịch.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ cho biết, các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an): Giảm 12 vụ và tương đương; giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Về tổ chức hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (so sánh thời điểm 30/6/2019 với thời điểm 30/6/2017): Giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện: Giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Về sắp xếp đơn vị hành chính của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến tháng 12/ 2020, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị hành chính cấp huyện, kết quả số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 8 đơn vị. Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 2 quận; tỉnh Quảng Ngãi giảm 1 huyện… Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị hành chính cấp xã, kết quả giảm 557 đơn vị.

Còn vượt cấp phó, lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên

Dự thảo báo cáo do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ký ban hành nêu rõ, tổ chức bộ từ 2007 đến nay vẫn giữ nguyên số lượng, mặc dù có khả năng tinh gọn hơn. Bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “Bộ trong Bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước, càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.

Bên cạnh đó, việc chia, tách các đơn vị hành chính ở cấp huyện, cấp xã tuy đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của địa phương nhưng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng bộ máy, tăng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tăng đơn vị sự nghiệp, biên chế công chức, viên chức và những người hoạt động không chuyên trách.

Cũng theo Bộ Nội vụ, nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Trung ương về rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước; một số cơ quan còn bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định, tỷ lệ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên; chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các văn bản không phù hợp với thực tế địa phương.

Nhằm tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục ban hành nghị quyết về Chương trình cải cách hành chính Nhà nước trong giai đoạn tới để triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Trong đó, giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, chính quyền địa phương một cách tổng thể, phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, 2045 trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị Chính phủ đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính trong thực hiện cải cách hành chính, lấy kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là tiêu chí đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương một cách công khai, minh bạch.