Chưa tính đến sáp nhập cấp tỉnh
Sáng 9/11, tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, từ những kết quả đạt được khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, vậy tới đây có nghiên cứu sáp nhập cấp tỉnh không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Đến nay đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho 43/45 tỉnh, thành phố đã sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Hiện chỉ còn hai tỉnh thành là Kiên Giang, TP.HCM và trong tháng này sẽ được hoàn tất.
Theo kế hoạch, chủ trương này sẽ được triển khai đến năm 2021 kết thúc, rồi sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, và đưa ra quyết định trong thời gian tới có thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính nữa hay không.
Tuy nhiên, theo ông Tân, các Nghị quyết được ban hành chỉ quy định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, còn các đối tượng khác chưa được đề cập. Ngay Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 cũng chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, thời gian qua, việc sắp xếp có vấn đề khó khăn trong thực hiện do thay đổi chính sách. Lúc đầu nghĩ đây là việc thuận lợi, dễ dàng và sẽ được triển khai đến hết 31/12/2022. Nhưng quyết đưa ra thời hạn “không quá 5 năm”, trước khó khăn thực tế như vậy, sẽ để phương án sắp xếp trong thời gian “không quá 5 năm”, thay vì đến hết năm 2022.
Cũng theo ông Tân, Bộ Nội vụ đã có công văn, hướng dẫn giải quyết chế độ chính sách dôi dư với trường hợp không tái cử, tinh giản biên chế, chuyển công chức xã thành huyện, điều chuyển sang xã thiếu…
Về cơ sở vật chất, các địa phương thường sử dụng một trong 2 trụ sở sáp nhập làm trụ sở mới. Nhưng có cái khó là đặt trung tâm nằm ở đâu, ông Tân đề nghị địa phương nên xem xét điệu kiện thuận lợi nhất phục vụ người dân. Nếu xây trụ sở mới phải đưa vào kế hoạch 5 năm, đồng thời sử dụng cơ sở vật chất cũ một cách hợp lý trong thời gian tới.
Năm 2021 sẽ triển khai quy hoạch điện 8
Trả lời câu hỏi của đại biểu về sơ đồ điện 7, 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trước đây, Thủ tướng đã phê duyệt và 2016 triển khai, nhưng giai đoạn đó đến nay đất nước có nhiều biến động.
Trong đó, đầu nhiệm kỳ Quốc hội có Nghị quyết cho dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Rồi một loạt dự án điện, than, nhiều địa phương đề nghị không tiếp tục triển khai. Cùng với đó, một số dự án chậm tiến độ khi không còn được hưởng chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi, dẫn đến chậm tiến độ; hay có những dự án sai phạm như dự án Điện Thái Bình 2, gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc cân đối cung cầu điện.
Cùng với đó, công nghệ mới điện tái tạo, như điện mặt trời, điện gió phát triển nhanh, được bổ sung, đảm bảo yêu cầu phát triển đất nước. Thủ tướng đã quyết định phê chuẩn điện tái tạo, phục vụ phát triển bền vững với một số cơ chế ưu đãi điện mặt trời, điện gió. Tương tự, sơ đồ điện 8 cũng theo hướng phát triển năng lượng bền vững.
Theo ông Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới, các loại hình năng lượng mới có tiềm năng, sạch sẽ được quan tâm, với các giải pháp xây dựng vùng phụ tải, giảm bớt tiêu hao năng lượng, giảm phụ thuộc nhập khẩu và tăng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo cân đối năng lượng….
Bộ trưởng Công Thương thông tin, sơ đồ điện 8 đang được thẩm định ở cấp Bộ, sẽ sớm báo cáo Thủ tướng dự kiến trình trong tháng 12 này, sau đó sẽ có văn bản để năm 2021 triển khai thực hiện.