Tình người trên hành trình xuyên Việt của thầy giáo 8X

TP - Thời tiết mưa nắng thất thường, đường sá bụi bay mù mịt, xe cộ đông đúc…không thể làm nao núng tinh thần của thầy giáo 8X đang thực hiện chuyến xuyên Việt gây quỹ ủng hộ biển, đảo quê hương. Tình người qua những nẻo đường càng tiếp thêm sức mạnh cho anh vững bước. 
Võ Mạnh Tuấn viếng nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ảnh do nhân vật cung cấp

Hành trang lớn nhất là tình yêu Tổ quốc


Người được nhắc đến trong bài viết này là thầy giáo Võ Mạnh Tuấn (SN 1987) thuộc Trường trung cấp nghề Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Anh đang thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh với quãng đường 1.700km để gây quỹ “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”.

“Năm 2008, khi xem clip trận chiến đảo Gạc Ma (1988), chứng kiến sự anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, tôi vô cùng xúc động. Từ đó đến nay, tôi luôn trăn trở phải làm điều gì đó để động viên, tiếp sức cho các chiến sĩ Hải quân. 

Thế rồi, tôi nghĩ ra ý tưởng đi bộ xuyên Việt nhằm gây quỹ từ thiện, giúp đỡ những ngư dân cũng như chiến sĩ hải đảo, đặc biệt, trẻ em vùng biển còn gặp nhiều khó khăn” - anh Tuấn chia sẻ.

Ngày 19/7, Võ Mạnh Tuấn bắt đầu chuyến hành trình của mình từ quảng trường Ba Đình lịch sử. Hành trang của Tuấn được gói gọn trong chiếc ba lô nặng 15kg, bao gồm quần áo, mũ nón, thuốc men, một ít lương thực, võng, chăn, áo mưa và 2 lá cờ (một là cờ Tổ quốc, một lá in chữ: Hướng về biển Đông). Để có được kinh phí cho chuyến đi, Tuấn tằn tiện chi tiêu để dành được 10 triệu đồng.

Nhiều người bạn tuy mới quen cũng thức dậy rất sớm để tới động viên, tiễn anh một quãng đường khá dài. Hôm đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các tỉnh miền Bắc đều có mưa to, gió mạnh. 

Trên vỉa hè, chàng thanh niên trùm chiếc áo mưa màu vàng rảo bước. Những lúc dừng chân, Tuấn lại tranh thủ vào facebook cá nhân cập nhật lộ trình, chia sẻ với bạn bè. Rất nhiều người theo dõi, hỏi han ngay khi thấy thầy giáo này online. Đến tối cùng ngày, Tuấn dừng chân nghỉ lại ở huyện Thường Tín. 

“Khó khăn nhất vẫn là thời tiết. Hôm đầu đi qua địa bàn Thường Tín, trời mưa như trút nước. Hôm sau, lại nắng như đổ lửa, nhiệt độ có lúc lên tới 40 độ. Tuyến đường mình đi lại đang cải tạo, sửa chữa rất nhiều, chân bị phồng rộp lên đau rát, có đoạn phải lê từng bước. Cũng may đã chuẩn bị khá kỹ từ trước nên mình biết cách tự sơ cứu vết thương” – Tuấn nói. 

Không chỉ tự sơ cứu cho mình, hôm đi đến thành phố Phủ Lý (Hà Nam), trong lúc ngồi nghỉ, bất ngờ thấy một phụ nữ bị ngã xe máy, Tuấn nhanh chân chạy ra bế chị này vào, sơ cứu cho nạn nhân. 

Mỗi địa danh đi qua, Tuấn gặp thêm những người bạn mới. Có người bán hàng nước, sau vài lời hỏi han, biết được ý nguyện của Tuấn đã lấy bánh mì, sữa, nước tăng lực biếu. Hay như bữa cơm đạm bạc với các anh bảo vệ gác chắn đường tàu cũng làm Tuấn rưng rưng xúc động.

Bữa cơm đạm bạc cùng nhân viên gác chắn đường tàu trên quốc lộ 1A. 
Ảnh do nhân vật cung cấp

Tới thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trời đang nắng chang chang bất chợt đổ mưa, Tuấn được gia đình ông Nguyễn Vinh Quang (cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị những năm 1964-1969) và vợ là Trần Thị Bảy (cựu thanh niên xung phong) cho vào trú nhờ, mời ăn cơm. Lúc chia tay, ông Quang rưng rưng nước mắt, động viên Tuấn: “Tiếc là bác không đi theo con được, cố gắng lên con nhé!”.

Bạn bè, thầy cô nơi Tuấn đang công tác luôn dõi theo những bước đi của thầy giáo trẻ này. 

“Những người tốt vẫn rất nhiều, nhất là khi họ thấy mình hành động với cái tâm trong sáng, vì cộng đồng. Cô cứ nghĩ lan man cả ngày, khi bọn trẻ 8X, 9X đâu đó dán mắt vào màn hình chơi game, loay hoay chụp ảnh tự sướng, than vãn cuộc đời không công bằng, nỉ non về tình yêu ngang trái…thì em dám nghĩ, dám làm một điều lớn lao. Thầy cô, bạn bè, người thân có quyền tự hào về em” - một cô giáo có nickname Cao Nga đã chia sẻ trên trang cá nhân của Tuấn như vậy khi thấy hình ảnh anh ăn cơm cùng các nhân viên gác chắn đường tàu.

“Mong mọi người góp quỹ, chứ đừng khen tôi”

Tính đến ngày 27/7, sau 8 ngày, Võ Mạnh Tuấn đã đi qua 4 tỉnh, với quãng đường khoảng 200km, đặt chân tới thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. 

Sau những chặng đường vừa qua, Tuấn đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho những hành trình tiếp theo. 

“Tôi luôn trăn trở phải làm điều gì đó để động viên, tiếp sức cho các chiến sĩ Hải quân. Thế rồi, tôi nghĩ ra ý tưởng đi bộ xuyên Việt nhằm gây quỹ từ thiện, giúp đỡ những ngư dân cũng như chiến sĩ hải đảo, đặc biệt, trẻ em vùng biển còn gặp nhiều khó khăn” . 

Anh Võ Mạnh Tuấn

“Quan trọng nhất vẫn là sức khỏe và điều kiện thời tiết. Có hôm, nắng nóng quá, đi được 1km mình phải dừng nghỉ để lại sức, nhưng cũng có hôm thời tiết mát mẻ, mình đi 3-4km mới tạm dừng chân. Chỗ ngủ cũng không thành vấn đề, nhiều người đọc báo hoặc thông qua bạn bè biết mình sắp qua nơi họ ở liền tìm cách liên lạc, mời vào nghỉ ngơi. Song, cũng có đoạn đường vắng vẻ, mình phải thuê nhà trọ nghỉ qua đêm” - Tuấn chia sẻ.   

Trước đó, để chuẩn bị cho hành trình dài hơi, mỗi ngày, Tuấn rèn luyện bằng cách dậy từ 4h sáng, vác chiếc balô nặng 15 kg đi bộ hai tiếng đồng hồ trước khi đi làm. Chiều và tối, chàng trai này lại tập như thế. 

Nhận được sự quan tâm, động viên của mọi người, Tuấn xúc động, song anh cũng chia sẻ thực rằng, mục đích cao cả nhất của chuyến đi này nhằm kêu gọi các tập thể, cá nhân chung tay ủng hộ, góp quỹ “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi,” giúp các con em ngư dân được đến trường, để bố mẹ, người thân yên tâm bám biển.

Trước khi anh thực hiện hành trình xuyên Việt này, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Kon Tum cũng đã mở một tài khoản để các nhà hảo tâm có thể ủng hộ qua tài khoản này. Việc quản lý, sử dụng tài chính của tài khoản này sẽ do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Kon Tum thực hiện.

Mọi sự đóng góp xin gửi về: 

Tên chương trình: “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”. 

Số tài khoản: 0761002349346 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK), chi nhánh Kon Tum.