Tình nghĩa học trò níu tôi đứng lại bục giảng

Trong sâu thẳm tôi luôn tin quanh mình vẫn là mênh mông tình thương mến của học sinh dành cho chúng tôi.

Xã hội đang dấy lên sự phê phán về đạo đức học trò xuống cấp và sự vô cảm, vô lễ của một số em đối với thầy cô. Nhưng trong sâu thẳm tôi luôn tin rằng quanh mình vẫn là mênh mông tình thương mến của HS dành cho chúng tôi. Và chúng ta cần nuôi dưỡng nguồn tình cảm đó để tiếp tục nâng bước giáo dục.

Ra trường tôi được phân công chủ nhiệm khối lớp 5, lớp có nhiều học trò cá biệt quậy phá, tinh nghịch. Tôi đã nhiều lần bật khóc vì bất lực trước những học trò như vậy.

Tôi đã làm đơn xin chuyển công tác như một sự trốn chạy trách nhiệm. Nhưng có quá nhiều kỷ niệm đã níu kéo tôi ở lại ngôi trường nhỏ bé này. Điều rất lạ thường là cũng chính những đứa học trò ngỗ nghịch ấy đã mang đến cho tôi niềm xúc động vô chừng.

Lần đó, trên đường về sau giờ lên lớp trong cơn mưa tầm tã, chiếc xe đạp cũ kỹ của tôi dính đầy sình đất không thể lăn bánh. Tôi lại quên mang áo mưa.

Đang lúng túng lo âu khi trời đã tối dần thì tôi bắt gặp sáu đứa học trò của tôi chèo ghe dưới sông gọi thật lớn: “…Cô ơi. Cô ơi. Mưa lớn quá. Cô chờ tụi con chút xíu”.

Vậy là ghe cặp vào mé. Học trò tôi thoăn thoắt mang xe đạp xuống ghe thật gọn gàng nhanh chóng. Chúng còn căng áo mưa che cho tôi khỏi ướt.

Có đứa dúi vào tay tôi những củ khoai lang, khoai mi, chuối già thơm phưng phức. Chúng bảo: “Cô ăn cho đỡ đói, nhà tụi con nghèo hổng có đồ ăn ngon, cô đừng giận tụi con nghe…”.

Tôi vừa ăn vừa khóc vì xúc động đến nghẹn ngào. Chúng thiếu thốn nhiều quá, ngày ngày phải mò cua bắt ốc, chăn trâu, giữ vịt giúp gia đình, thời gian đâu mà chúng học bài thành thuộc như bao bạn bè cùng lứa ở thành phố.

Vậy mà tôi cứ luôn quở trách chúng, oán hờn chúng. Thậm chí còn nghĩ đến việc xin thuyên chuyển về trường khác, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Có lần tôi bị bệnh phải nghỉ dạy hai ngày. Vậy là đám học trò ấy đã vận động cả lớp mua mấy hộp sữa, trái cây, mớ ốc vặn, cua đồng kèm mấy lá thư chúc cô mau lành bệnh rồi xúm nhau chèo ghe vô rạch để thăm tôi.

Lần thứ hai tôi đã khóc vì xúc động. Học trò nghèo mà nghĩa tình bất tận. Tôi đã tự nhủ lòng không được rời xa các em dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Và tôi đã giữ đúng lời hứa với các em. Tôi đã bám trường đến nay đã 25 năm.

Tôi đã làm chủ nhiệm từng ấy thời gian và có biết bao lứa học trò do tôi chủ nhiệm đã ra trường lớn lên lăn xả vào cuộc sống đời thường.

Bây giờ điều kiện dạy và học đã đủ đầy hơn, trường lớp khang trang hơn, giao thông đi lại cũng thuận tiện hơn, không còn cảnh nắng bụi mưa lầy, cầu tre lắc lẻo nhưng trong tâm thức tôi luôn nhớ mãi những học trò quê năm nào đã để lại dấu ấn không phai trong quãng hành trình chủ nhiệm của tôi.

Theo Giáo dục thời đại

Theo Đăng lại