Xử lý ngay tình trạng phí chồng phí, lạm thu
Ngày 3/11, Chính phủ đã họp phiên Thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10/2017, Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh lên thang bậc mới. So với tháng 9, tất cả các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt Thủ tướng cho hay, xuất khẩu tháng 10 tiếp tục tăng và đến nay chúng ta đã xuất siêu 1,23 tỷ USD. Có 105.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, có 97% số doanh nghiệp mới có doanh thu và có nộp thuế. Như vậy, đây là một tin mừng, kết quả tích cực của tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đất nước còn đối diện một số thách thức, khó khăn, nhất là tình hình bão, lũ lụt, lở đất làm nhiều người chết trong thời gian qua. Việc giải ngân vốn đầu tư cơ bản có tiến bộ nhưng còn chậm. Mặc dù có cải thiện, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, cần tiếp tục tháo gỡ. Nhiều vấn đề như bảo vệ môi trường, phá rừng ở một số địa phương, an ninh trật tự, an toàn giao thông... vẫn cần tiếp tục được nêu ra để có giải pháp xử lý quyết liệt, triệt để.
Thủ tướng đề nghị cần khắc phục ngay tồn tại, bất cập mà một số đại biểu Quốc hội đã nêu ra chứ không phải chờ đến khi có Nghị quyết, ví dụ như vấn đề trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang hay tình trạng phí chồng phí trong một số lĩnh vực…
Thông tin thêm về nội dung phiên họp của Chính phủ, tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 10 tháng qua tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn còn nhiều. Về tình trạng chi phí không chính thức và phi chính thức còn cao, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phân bón kém chất lượng, nhất là tình trạng hàng hóa sản xuất nước ngoài dán nhãn mác trong nước, gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Sao không truy được nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Qúy?
Tại cuộc họp báo cùng ngày, báo chí đã hỏi về lý do không truy được nguồn gốc tài sản của nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý. “Lãnh đạo về hưu còn xử lý được thì tại sao lại để tình trạng phạt cho tồn tại như thế”, phóng viên nêu câu hỏi? Giải đáp vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho hay, bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Về tiến độ xử lý vụ việc này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả thực hiện trước 30/11. “Trên cơ sở báo cáo của Yên Bái, chúng tôi sẽ kiểm tra đánh giá việc thực hiện đó”, Phó Tổng Thanh tra cho hay.
Cũng theo Phó Tổng Thanh tra, liên quan đến nguồn gốc tài của ông Phạm Sỹ Quý, Luật Phòng chống tham nhũng và các pháp luật khác có điều chỉnh liên quan đến tài sản của công dân, cá nhân trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, Thanh tra Chính phủ sẽ trình Quốc hội hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có vấn đề này.
Trao đổi thêm với báo chí sau khi kết thúc họp báo, ông Lam cho biết thêm, trước năm 2013, pháp luật chỉ quy định về kê khai trung thực, đúng với tài sản của mình. Từ năm 2013 trở lại đây, pháp luật mới quy định người có trách nhiệm kê khai phải giải trình sự tăng, giảm tài sản, thu nhập đó. “Nếu là tài sản tham nhũng được Tòa tuyên thì xử lý theo quy định. Còn trường hợp có sự chênh lệch tài sản mà chưa giải trình được thì xử lý thế nào? Vấn đề này pháp luật hiện chưa quy định. Đây là vấn đề cơ chế, chứ không phải chỉ trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý. Cho nên, tới đây sẽ trình Quốc hội hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dụng này”, Phó Tổng Thanh tra nói.
Sáp nhập Văn phòng cho gọn bộ máy
Liên quan đến Nghị quyết T.Ư 6 yêu cầu nghiên cứu sáp nhập các bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, về nguyên tắc sẽ rà soát lại và thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương, đó là vấn đề tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy và tinh giảm đầu mối theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì. Vì hiện nay có rất nhiều việc chúng ta chồng chéo.
Ông Dũng cũng cho biết, việc thực hiện sẽ theo hướng phân cấp mạnh cho chính quyền cấp dưới. “Những gì liên quan chồng chéo thì bây giờ trên tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu để xử lý vấn đề này. Với tinh thần rút gọn các tổ chức bộ máy và biên chế để giảm ngân sách nhà nước. Chẳng hạn như với cấp tỉnh hiện nay có thể xem xét sáp nhập Văn phòng HĐND, UBND tỉnh”, ông Dũng nói.
Đối với việc hợp nhất một số bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, Chính phủ chưa bàn vì đấy là lộ trình. Vấn đề hiện nay trên tinh thần Nghị quyết T.Ư6 thì xây dựng chương trình hành động. Bây giờ Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ tham mưu để xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đầu tháng 12 phải ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 6”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.