Tin hot giáo dục: Nữ sinh bị đánh dã man, lột áo trong lớp

TPO - PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80; Thủ khoa sư phạm ở nhà nuôi lợn;  Xôn xao vụ nữ sinh bị đánh dã man, lột áo trong lớp hay học sinh bị bỏng cồn tại Hà Nội phải phẫu thuật tới 3 lần là những thông tin nổi bật trong tuần qua.

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80

Rạng sáng ngày 9/10, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) đã qua đời ở tuổi 80 sau gần ba năm chống chọi với bệnh tật.

Trên mạng xã hội Facebook, đồng loạt tài khoản của người thân, các em học sinh Trường PTTH Lương Thế Vinh đều chuyển sang màu đen như một niềm tiếc thương dành cho người thầy đáng kính.

PGS Văn Như Cương mắc bệnh ung thư gan gần 3 năm nay. Thầy kể, khi mới biết bệnh, bác sĩ nói nếu không chữa chạy kịp thời, các khối u sẽ di căn, không thể sống quá 3 tháng. 

Ngày 3/3, khi biết tin thầy nhập viện, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh lên ý tưởng thực hiện món quà tinh thần gửi nhà giáo Văn Như Cương là bài hát truyền thống của 4.000 học sinh và hàng nghìn hạc giấy với lời cầu chúc: Mong thầy khỏe mạnh để trở về.

Tình yêu thương của học trò là món quà vô giá, minh chứng cho cả cuộc đời PGS Văn Như Cương hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Sự trăn trở của ông thể hiện trong những câu thơ: "Các em vào đại học thầy vui / Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi / Ít em mong muốn vào sư phạm / Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi".

PGS Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).(xem chi tiết tại đây)

Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà tại Lễ tôn vinh thủ khoa năm 2016 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: NVCC.
Thủ khoa nuôi lợn và câu hỏi Sư phạm đang đi về đâu?

Mấy ngày gần đây, câu chuyện về em Bùi Thị Hà (quê Hà Giang) - Thủ khoa Sư phạm Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 không tìm được việc làm, hơn 1 năm nay ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả ngoài chợ... đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Cụ thể, sau khi tốt nghiệp, dự kỳ thi tuyển giảng viên nhưng không đỗ, Hà cầm tấm bằng trở về quê hương. Hà chủ động gửi thư cho lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm việc ở Hà Giang để cống hiến cho tỉnh nhà. Em nhận được lời hứa rằng trường hợp này sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt. (xem chi tiết tại đây)

Nữ sinh chịu trận, không phản kháng khi bị nhóm bạn hành hung
Vụ nữ sinh bị đánh dã man, lột áo trong lớp

Nói về clip phát tán trên mạng được xác định do học sinh Trường THCS Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) ghi lại cảnh đánh hội đồng một nữ sinh, TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng, có những trường hợp học sinh sau khi nhìn lại hình ảnh mình bị đánh trên mạng đã lên kế hoạch tự tử để “những kẻ bắt nạt phải hối hận”.

Mấy ngày qua có Clip phát tán trên mạng được xác định do học sinh Trường THCS Trường Yên (Chương Mỹ) ghi lại cảnh nhóm học sinh đánh hội đồng một học sinh.
Nữ sinh tội nghiệp ngồi yên trên bục giảng trong khi có tới 3-4 nữ sinh khác dùng nhiều chiêu để hành hạ như: nhảy trên bàn xuống đạp vào người, ngồi lên cổ, đạp vào lưng, bụng và cuối cùng là xé áo.

Suốt clip diễn ra cảnh bạo hành, các cửa trong phòng được đóng kín chỉ nghe tiếng cổ vũ, chửi thề của một số học sinh khác, tuyệt nhiên không có ai đứng ra can ngăn, bảo vệ nữ sinh bị đánh.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn cá nhân. Nhóm học sinh tham gia vụ bạo hành gồm 5 học sinh lớp 7 và 1 học sinh lớp 8 tham gia quay clip đưa lên mạng xã hội.

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.(xem chi tiết tại đây)

850.000 giáo viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức qua mạng

Tới đây, trên 850.000 giáo viên (GV) và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sẽ được bồi dưỡng, phát triển năng lực theo phương thức trực tuyến kết hợp với bồi dưỡng trực tiếp truyền thống.

Đây là nội dung trong khuôn khổ Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) của Bộ GD&ĐT. Nội dung chương trình bồi dưỡng sẽ được thiết kế dựa trên dữ liệu khảo sát năng lực, nhu cầu bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo các năng lực của chuẩn nghề nghiệp/chuẩn hiệu trưởng.(xem chi tiết tại đây)

Học sinh bị bỏng cồn tại Hà Nội phải phẫu thuật tới 3 lần

Anh Nguyễn Trung Long, phụ huynh em N.Q.A (học sinh lớp 7, Trường THCS Nghĩa Tân – Cầu Giấy) bị bỏng cồn tại trường học cho biết: “Q.A vừa trải qua cuộc phẫu thuật lần 1 tại Viện bỏng Quốc gia. Bác sĩ cho biết, con bị tổn thương toàn thân 24%, trong đó tổn thương sâu 16% rất đau đớn. Dự kiến, Q.A sẽ phải trải qua 3 lần phẫu thuật và nằm viện khoảng 1 tháng”. (xem chi tiết tại đây)

Việt Nam đăng cai tổ chức Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổ chức Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 19 năm 2018 tại Việt Nam.

Mục đích của Đề án là tổ chức tốt Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 19 năm 2018 tại Việt Nam (APhO 2018) nhằm khuyến khích học tập và giảng dạy môn Vật lý trong nhà trường, góp phần phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo học sinh tài năng về Vật lý và thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước.

APhO 2018 được tổ chức tại thành phố Hà Nội trong 9 ngày, từ 5/5 - 15/5/2018 với sự tham gia của khoảng 30 đoàn đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ (mỗi đoàn có 8 học sinh tham gia và 2 người phụ trách); 60 quan sát viên khoa học, 60 khách đi cùng đoàn các nước và 17 khách mời quốc tế.(xem chi tiết tại đây)