Tín dụng đen trói chân con bạc

Bên cạnh những casino sầm uất mọc lên ở biên giới phía Campuchia thì hệ thống cho vay nóng, cầm đồ với lãi suất “cắt cổ” cũng mọc lên bên phía Việt Nam, lôi kéo con bạc vào vòng xoáy đỏ đen không lối thoát.

Tín dụng đen trói chân con bạc

Bên cạnh những casino sầm uất mọc lên ở biên giới phía Campuchia thì hệ thống cho vay nóng, cầm đồ với lãi suất “cắt cổ” cũng mọc lên bên phía Việt Nam, lôi kéo con bạc vào vòng xoáy đỏ đen không lối thoát.

Nhận cầm đồ trước cửa casino Vimarn ở vùng biên giới sát cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang). Vay 1 triệu đồng trả lãi 10.000 đồng/ngày đối với xe gắn máy có giấy tờ hợp lệ, xe không có giấy đăng ký là 20.000 đồng/ngày. Ảnh: N.Khải

Trưa 18-1, xe chúng tôi chưa thả hết dốc cầu Vĩnh Nguơn hướng về trung tâm thị xã Châu Đốc (An Giang) thì “cò” Phan ngồi trên xe Dream II rú ga bám theo. Thấy chúng tôi giống bộ dạng thua bạc trở về từ casino chợ Gò Tà Mâu (gọi tắt là chợ Gò), huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia, “cò” Phan vào thẳng vấn đề: “Còn đồ đạc gì thì gửi vào tiệm cầm đồ. Ăn bạc rồi chuộc lại mấy hồi”.

“10 ngày không chuộc là mất”

"Tui đã thấy rất nhiều người đi cầm xe, cầm này nọ để có tiền qua bển chơi bạc mà chưa thấy ai lấy ra được" - Ông NGUYỄN VĂN TRÀNG (một người dân ở xã Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc)

Ông Phan tự giới thiệu đã theo nghề dẫn mối cầm đồ, vay nóng hơn năm năm nay. Chỉ cho chúng tôi gần chục tiệm cầm đồ mọc trên đường Thủ Khoa Nghĩa (thị xã Châu Đốc), ông rành rẽ: “Ở quanh đây có nhiều chỗ cầm đồ “chui” không hề để bảng hiệu nhưng rất nhiều người vào cầm vì được giá cao, lãi suất cũng phải “bảy lai/ngày” (tức 21%/tháng - PV). Hầu hết là dân chuẩn bị qua chơi bạc hay thua bạc ở bên kia biên giới”.

Dịp cận Tết Nhâm Thìn, các con bạc qua casino chợ Gò đông hơn, do đó việc cầm xe, cầm đồ để đánh bạc rất nhộn nhịp nên lãi suất ở mức “trên trời”. 9g ngày 18-1, tại tiệm cầm đồ Phước Hà trên đường Thủ Khoa Nghĩa, ông chủ tiệm đang rồ ga thử máy một chiếc xe tay ga biển số 52P5-01..., nói với khách: “5.000 đồng/triệu/ngày (tức 15%/tháng)”.

Sau khi báo giá, ông Hà, chủ tiệm, dẫn xe khách vào gian nhà chất hàng chục chiếc xe gắn máy đời mới, biển số có đủ các tỉnh. Tương tự, tại một số tiệm cầm đồ khác, các loại xe gắn máy, xe tay ga đời mới thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... chất ngồn ngộn.

Tất cả khách thua bạc đều được các “cò” mời chào, chèo kéo cho vay nóng, cầm cố tài sản để tiếp tục thử vận may. Chiều 18-1 tại khu vực cạnh trường gà chợ Gò, một “cò” tên Thu bám theo chúng tôi dọ hỏi: “Mới thua bạc à? Muốn cầm đồ hay mượn nóng? Muốn mượn nhiều thì chỉ cần có quen biết ai ở đây, hoặc mang giấy tờ nhà đất đến thế chấp. Lãi cũng như mọi nơi khác 10.000 đồng/triệu/ngày. Nhưng nói trước phải chuộc sớm, không thì đừng hỏi tại sao đứt lúc nào không hay à nghen”.

Ngay tại mỗi casino đều có rất nhiều “cò” và các hệ thống chân rết nhận cầm đồ thế chấp tài sản của khách đánh bạc với lãi suất “mỗi nơi mỗi giá khác nhau”, thậm chí nhận cầm xe không có giấy tờ đăng ký.

Trước cửa casino Vimarn ở vùng biên giới sát cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang) luôn có một nhân viên túc trực ngồi bên cạnh một chiếc bàn có bảng ghi sẵn: “Cầm đồ - cầm 1.000.000 đồng, tiền lời một ngày 10.000 đồng”. Khi chúng tôi vừa trờ xe máy tới nói cầm xe thì ngay lập tức một người đàn ông nét mặt vui vẻ, nói tiếng Việt lơ lớ: “Bốn chai, y 20.000 đồng/chai/ngày. Qua mười ngày không chuộc là mất!”.

Vay nóng, “cầm mạng”

Phòng ngừa là chính

Ông Trần Thanh Tùng - phó trưởng Công an thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang - cho biết trước mắt chỉ có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa, giáo dục, vận động là chính.

“Chúng tôi sẽ kết hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường qua lại biên giới, hạn chế thấp nhất việc xuất cảnh trái phép để đánh bạc cũng như tình trạng cho vay nóng, cầm cố tài sản ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.

Vào cuối giờ chiều mỗi ngày, quầy vay tiền nóng của bà Tý ở ngay trường gà nằm cách casino Grand Dragon, bên kia cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang) chưa đầy 50m đông hơn hẳn bởi các con bạc ra vô đóng tiền lãi. Những “mối” quen biết hoặc những con bạc đã nhẵn mặt vì “đốt” nhiều tiền vào trường gà hoặc casino đóng cho bà Tý tiền lãi 100.000 đồng/10 triệu/ngày (tức 30%/tháng).

Không chỉ cho vay nóng, bà Tý còn là “trùm” trong việc cầm cố tài sản có giá trị như xe hơi, đất cát, vàng, trang sức... của con bạc với lãi suất cũng 30%/tháng. Bà này là người ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú và luôn có mặt tại trường gà từ 9g-10g đến 17g mỗi ngày.

Một con bạc ở trường gà này cho biết nếu đã vay bạc của bà Tý thì chạy đàng trời cũng không quỵt nổi, chậm đóng lãi thì lãi mẹ lại đẻ lãi con.

Những ông “trùm” cho vay nóng tỏ ra rất kín kẽ và đề phòng những vị khách quỵt tiền. Có mặt tại khu ăn uống gần sảnh casino Hà Tiên Vegas vào chiều 20-1, “trùm” Tình đang cùng một người đàn bà đếm vội từng cọc tiền dày cộm, gồm tiền VN và USD.

Thấy chúng tôi là con bạc mới qua đang trong bộ dạng “cháy túi”, ông Tình nói tiếng Việt rành rẽ: “Bạc tui cho vay nóng cũng linh động tùy theo thân thế, tiền bạc của khách mới đáp ứng, nhưng lãi suất thường phải cỡ 30% trong vòng ba ngày (300%/tháng)”.

Ông này khẳng định không chỉ riêng ông mà một số tay cho vay khác cũng đang nhắm tới những con bạc ở VN qua, đang có nhu cầu vay nóng. Theo lời của “trùm” Tình, mỗi khách vay nóng thường “ôm” (mượn - PV) từ vài chục nghìn USD hoặc ít nhất hàng trăm triệu đồng tiền VN.

Tuy vậy, với lãi suất “cắt cổ” trên, các con bạc thường phải nhanh chóng chung chi cả tiền gốc và lãi, nếu không sẽ bị giang hồ đòi nợ mướn “nắm gáy” xử đẹp. Ông “trùm” này đã gần mười năm sống ở các sòng bạc bằng nghề cho vay tiền, cầm đồ.

Không chỉ cho vay nặng lãi, nhận thế chấp tài sản, có cả chủ nợ chấp nhận cho con bạc “cầm mạng” với giá vài ngàn USD để đánh bạc.

Đến giờ, giới mê đỏ đen ở khu vực biên giới Tây Nam vẫn kể cho nhau nghe chuyện “cầm mạng” của con bạc tên Nguyễn Hữu Tính ở xã Vĩnh Thạnh (huyện Tân Hưng, Long An) xảy ra cuối năm 2011. Tuy mới 18 tuổi nhưng “cao thủ” này đã “cầm mạng” hai lần liên tiếp tại casino Bavet, đối diện cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Lần đầu Tính “cầm mạng” với giá 2.000 USD, sau đó thua bạc bỏ trốn. Lần tiếp theo, Tính “cầm mạng” 3.000 USD nhằm lấy lại những gì đã mất, nhưng thua sạch và bị chủ nợ bắt giữ đòi tiền chuộc (gồm tiền cầm mạng và lãi suất) nhưng gia đình Tính từ chối. Đến ngày 14-12, Tính bị chặt đứt nửa ngón tay út gửi về “dằn mặt”.

Vào tháng 8-2011, trường hợp của ông Đỗ Thành Công ở ngã tư Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, Long An bị “xử” vì vay nóng cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng người Việt “thế thân” vay tiền đánh bạc ở Campuchia.

Sau khi không nhận được khoản tiền 2.000 USD chuộc mạng, bị chủ nợ bắt giam, đánh đập ở Campuchia, ông Công đã nhảy lầu chết và thi thể bị ném trôi sông.

Theo Ngọc Khải
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại