Tìm Trần Tuấn dưới đế giày của… gã

TP - “Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn”. Đây là thơ của Uýt Man, tôi mượn để “vẽ mây nẩy trăng” khi đọc lại những bài ký trong tập “Uống café trên đường của Vũ” vừa ra mắt của Trần Tuấn.
Nhà thơ Trần Tuấn (trái) trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội ngày 17/6/2017. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bạn chính là tôi, hay là trời đất cổ kim hay không là gì cả. Khi đó, ta và tha nhân không còn đăng đối. Nói có vẻ hơi xảo ngôn, hoắng tống lên vậy khi đọc những ký sự báo chí vốn bị ràng buộc bởi thông tin và…thông tin mà không thấy điều gì khác, dù ai đó sẽ bẻ liền, báo chí là thông tin, không văn vẻ chi ở đây cả. Nhưng sự khô khốc của thông tin, sẽ chết khi nó vừa khai sinh, nếu như không được tưới tắm bởi cảm xúc, và không ngạc nhiên, ngày càng vắng bóng những nhà báo viết ký hay, khi thời buổi mọi thứ nhanh hơn cả chớp mắt. May thay, còn đó, có Trần Tuấn, một nhà báo viết ký “chậm hơn cả sự dừng lại” (thơ Trần Tuấn).

    Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn vừa cùng lúc đón hai đứa con tinh thần, hai cuốn sách mới vừa “ra lò” tại Hà Nội. Đó là tập kí sự “Uống cà phê trên đường  của Vũ”, và tập thơ “Chậm hơn sự dừng lại”. Trần Tuấn đã xác lập vị trí của mình kể từ tập thơ “Ma thuật ngón”, vị trí của một nhà thơ cách tân phương thức diễn ngôn thơ. Là Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung tại Đà Nẵng, Trần Tuấn còn viết ký văn chương và bình luận thế sự. Anh sinh năm 1967 tại Hà Nội. TPCN trân trọng giới thiệu các bài viết nhận định về tác phẩm mới của Trần Tuấn.

L.A.H


Những bài ký trong tập ký sự này, tôi có may là đã đọc hết khi in báo, cả những “vĩ thanh” khi anh rắp tâm viết. Tôi nhớ một đêm vào năm 2006, anh và anh Phạm Xuân Hùng (làm thơ ký tên là Từ Dạ Thảo) lên tàu đi   miền tây, tàu qua Tam Kỳ, nhắn cho tôi hay là hai người đang xình xịch, bụng dạ tôi lúc đó, thiệt lòng muốn đốt hết và lên đường, để rồi sau đó ngồi nhà và chờ… “Cà Mau quê xứ” ra đời. Từ Dạ Thảo lúc đó vừa ra tập thơ, mang vô tận chót mũi Cà Mau uống rượu, rồi hóa vàng cho thơ thả xuống phù sa. Tro bụi là những ký tự như gương mặt trầm tư của anh tan biến giữa phù sa châu thổ, như lời hứa chung thẩm với đất đai này. Xin nói lan man vậy, để thấy lòng của người viết ký Trần Tuấn, ký thác ký sự như muốn đốt chữ bồi trúc cho đất thêm chút ngọt khi nó quá cay đắng, và đó chính là những mặt người, những huyền tích, những tiếng thở dài không chịu tàn phai theo tháng năm.

Trần Tuấn yêu đời. Tôi quả quyết như vậy, ít nhất là với tôi, bởi hỏi thử bây giờ, có bao nhiêu người yêu đời đích thực, khi họ mải mê đâu đó hay bị chính đời làm cụp gãy ước mơ? Khi mình chưa làm được chi cho đời, thì đừng thù hận đời. Một vốc nước ngọt lừ nơi cuối trời Tổ quốc, một cây bần đước cần lao gánh cả phận người, những đứa trẻ bôn ba cùng cha theo công trường nơi chướng khí dâng nghìn trùng, những thiết tha với khuất lặng của những người dám sống nơi heo hút đỉnh ngọn Sa Pa, những dặn lòng không chịu rời nước mặn chốn Bình Châu có con thuyền đắm, hay cho dù có tung bay theo dù lượn dù bay trên cao, thì cũng ngó xuống thấy đời sống làm lắm cái say, cái men, nó còn đó, tại mình hủy nó đi thôi, gọi rõ là mình hủy chính mình. Có cả trong gian nguy, trong nỗi lòng người lính biển đối mặt sống chết với kẻ thù những ngày biển Đông dậy sóng. Tình yêu Tổ quốc là gì, nếu không là tình yêu cây cỏ, đất đai, người thân, một viên đá xanh giữa mây trắng Hải Vân, một giọt nước mặn giữa trời biển Hoàng Sa kết tủa từ máu bao  lớp người ?...

Những con số, sự kiện, mặt người trên trang báo, lùi dần theo thời sự, nhưng đó là ánh xạ bước chân người viết, từ Cà Mau đến Sa Pa, đi men bàn chân Phật bên sông Mê Kong đến tìm dấu ngựa xưa Lê Thánh Tông dừng chân nơi Đá Bia-Phú Yên để vạch đường gươm tiếp về phương nam. Những cảm khái kéo dài, mà đọc trong đó, có ba gạch đầu dòng dễ biết. Một, tính báo chí. Hai, cái nhìn của nhà thơ trước sự kiện. Cái thứ hai này, mỹ từ đi từ ruột máu từ tim, giữ tác phẩm lại với thời gian, nhưng chưa đủ. Sách có hai phần, thì phần 1 “Miền đất”, như là liệt kê có chủ ý, đôi khi chỉ là phép gợi bạn đọc tìm cho ra bản lai diện mục của tác giả, để qua phần 2 là “Miền tâm tưởng”, đây là chính gạch đầu dòng thứ 3, khiến những bài ký của Trần Tuấn, tôi xin đặt lên riêng là Cỏ, sau bao năm đọc lại, vẫn không thấy cũ, chưa nói là anh đã kỳ công nghiên cứu tư liệu từ nhiều nguồn như một khảo cứu từ lịch sử, văn học đến địa lí, văn hóa để bạn đọc thấy, đây là người viết có nghề đã đành, nhưng uyên thâm, mà đó là một trong những trụ đỡ để ký của anh thành ký văn học. Ở đây có mưa, có sương khói, có tiếng chuông xa, có dằn vặt đời người, có lời thì thầm của cây cỏ của linh hồn trước sự hỗn hào, bạo ngược của con người, có nắng có ánh sáng từ thuở mặt đất chưa sinh, có nỗi nhớ quá vãng đi qua chính mình, qua người khác, để thấy mọi thứ rồi như tiếng thạch sùng tặc lưỡi gọi tàn phai, là nên cái vò đầu rất chi là… Trần Tuấn, mà gút hết lại, lọc hết lại, còn lại một nhát vẽ chớp nhoáng, ra hình một dáng cây, trầm tư với lẽ đời, lẽ người, với biến dịch hay trong một li cà phê giày vò trên con đường vắng. Ở đó, lộ ra một nhà báo lang thang đã ngã màu bộ nhớ  để rẽ lối vào nhập thất.

Với người viết ký, đi bao nhiêu là nhiều? Không thể trả lời được.  Nhưng sẽ là nhiều biết mấy, sau những chuyến đi, rồi lại, đếm cát dính trên chân mình, thấy mỗi hạt là một ngọn gió xa xôi gợi những mảnh nhỏ ngai ngái mùi mùa thu và tôi vẫn nghĩ rằng, đã viết ký mà muốn ngon lành với thời gian, muốn bền thực sự, thì không còn cách nào khác, ở thời buổi này, không tinh tế được cỡ như các cụ ngày xưa chẻ sợi tóc làm tư, thì phải đẩy mọi thứ đến hư vô, bằng cách của mình, bởi có gì hơn một cái nhìn hồn nhiên ngơ ngác bất chấp tuổi tác.