Tìm thấy vợ chồng người Rục chạy lũ mất liên lạc gần 1 tháng

TPO - Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) trưa ngày 18/9 cho biết, sau hơn 5 tiếng đồng hồ băng rừng và bơi qua nhiều dòng nước lũ chảy xiết, lực lượng chức năng đã tìm thấy nơi trú ẩn của vợ chồng người Rục chạy lũ cánh đây gần 1 tháng. 

Chiếc lán của hai vợ chồng người Rục trú ẩn, chỉ có bếp lửa, lương thực không còn gì

Như tin đã đưa, 2 vợ chồng già người Rục là ông Cao Xuân Bằn và bà Cao Thị Pìu, đều ngoài 60 tuổi bỏ nhà đi tránh lũ cách nay gần 1 tháng. Do không có thông tin gì về nơi ông bà trú ẩn nên gia đình lo lắng báo cho UBND xã. Được biết, trước khi đi tránh lũ, vợ chồng ông Bằn mang theo 25 lon gạo.

Sáng ngày 17/9, nhóm 8 người gồm cán bộ xã Thượng Hóa, người dân và Bộ đội Biên phòng đồn Cà Xèng gùi theo lượng thực, thuốc men lên đường tìm kiếm. Từ bản Ón, nhóm tìm kiếm phải đi bộ giữa địa hình rừng núi cheo leo, hiểm trở. Nhiều đoạn đường rừng bị nước lũ làm ngập sâu, Bộ đội và người dân phải gói gém đồ đạc trong bao nilon, bơi giữa nước lũ chảy xiết.

Lực lượng chức năng đã tìm thấy ông Bằn và bà Pìu tại thung lũng Quy Lúi, nơi cách xa bản Ón chừng 15 cây số đường rừng. Tại đây 2 ông bà dựng lán bên vách đá, chỉ có bếp lửa, lương thực không còn gì. Theo ông Bằn, 25 lon gạo mang theo đã hết cách đây hơn 1 tuần, ông bà phải tìm chuối rừng làm lương thực, câu cá bên suối làm thức ăn sống qua ngày. Hai vợ chồng ông bà rất muốn quay lại bản nhưng do nước lũ dâng cao nên không thể.

Ông Đinh Thanh Văn cho biết, lực lượng chức năng đã cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho ông bà sử dụng trong những ngày tới. Đợi khi nước lũ rút xuống thấp, sẽ tìm cách đưa vợ chồng ông Bẳn trở lại nhà. “Ngày qua, anh em xuống, bơi giữa nước thì gặp ông bà vẫn còn khỏe mạnh bình thường. Ông bà cũng đang tìm đường để lên lại nhà nhưng do nước đang ngập sâu quá chưa thể lên được. Anh em mang ít bánh, lương khô, gạo để cho ông bà ăn, ông hứa khi nào nước rút sẽ lên nhà” – ông Văn nói.

Tộc người Rục được bộ đội biên phòng tìm thấy sống hoang dã giữa núi rừng Phong – Kẻ Bàng vào năm 1959. Trước nguy cơ tuyệt chủng, cộng đồng tộc người nhỏ bé này được đưa về định cư ở xã Thượng Hóa. Những năm qua Nhà nước đã đầu tư rất nhiều tiền để phát triển cơ sở hạ tầng, nhà cửa, sản xuất… giúp tộc người Rục. Tuy nhiên, đến nay tộc người Rục vẫn còn rất lạc hậu. Hễ có một biến cố nhỏ nào trong cuộc sống là họ lại quay trở lại rừng sinh sống.