Tìm ra thuốc giải độc trị 18 loại nọc rắn

TPO - Các nhà khoa học Thái Lan đã tạo ra một chất chống nọc độc chuyên biệt có thể chống lại độc tố của 18 loại rắn ở Châu Á và Châu Phi. 
Ảnh minh họa

Mỗi năm, ước tính có đến 94.000 người chết do rắn cắn trên toàn thế giới. Trong đó, số lượng người chết cao nhất tập trung ở khu vực Nam Á và tiểu vùng Sahara (Châu Phi).

Trở ngại lớn nhất trong công tác cứu người bị rắn cắn chính là việc phải tìm ra từng loại thuốc giải độc cho từng loại nọc độc khác nhau. Đây là một việc cực kì tốn kém, bởi số lượng các loài rắn độc hiện đang tồn tại rải rác trên toàn thế giới là không hề nhỏ.

Ở châu Phi, cách điều trị hiệu quả nhất là sử dụng một loại thuốc giải độc đa năng, có khả năng chữa được nọc độc của nhiều loài rắn như hổ lục, hổ mang. Tuy nhiên, theo dự kiến, nguồn dự trữ loại chất chống độc này sẽ cạn kiệt vào tháng 6/2016. Nhà cung cấp loại thuốc này – một công ty dược của Pháp đã phải tạm ngừng sản xuất loại dược phẩm này vì cho rằng nó không đem lại lợi nhuận lâu dài cho công ty.

Do vậy, các nhà khoa học Thái Lan đã nghiên cứu và tìm ra một loại thuốc giải độc đa năng mới, có khả năng trị 18 loại nọc độc của 18 loại rắn khác nhau.

Anh Kavi Ratanabanangkoon, làm việc tại Viện nghiên cứu Chulabhorn ở Bangkok chính là một trong những người đã tham gia chế tạo loại thuốc giải độc này. Để chế thuốc, Ratanabanangkoon cùng các đồng nghiệp đã phải thu thập các mẫu độc tố từ 6 loại rắn khác nhau ở Châu Á bao gồm 4 loài rắn hổ mang và 2 loài rắn cạp nong. Một số loài rắn, ví dụ như rắn cạp nong Malayan, thuộc nhóm những loài cực kì hiếm gặp. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã phải trao thưởng 100 đô la cho bất cứ ai bắt được và giao nộp một con rắn cạp nong Malayan để họ có thể chiết nọc độc.

Sau khi chiết được nọc độc, các nhà nghiên cứu đã phải tiêm một lượng nhỏ chất độc (không đủ để gây tử vong) vào cơ thể những con ngựa. Sau đó họ thu thập các kháng thể mà cơ thể những con ngựa đó sản xuất ra để chế thuốc trị độc.

Tuy nhiên đến nay, loại thuốc này mới chỉ được thử nghiệm trên chuột và chưa được thử nghiệm trên người. Nhóm nghiên cứu của Kavi Ratanabanangkoon hiện vẫn cần nghiên cứu thêm và cần thêm chi phí để có thể sản xuất và đưa loại thuốc trị độc đó ra thị trường. Họ hi vọng sẽ sản xuất ra một loại thuốc có giá cả phải chăng hơn, phù hợp với mức sống của đa số người dân châu Á và châu Phi.

Theo Theo National Geographic