Tiết lộ bất ngờ về ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam

TPO - Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 vừa tiến hành thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam, lấy phổi từ hai người cho sống là bố và bác ruột để cứu bệnh nhi 7 tuổi thoát khỏi cái chết do căn bệnh giãn phế quản bẩm sinh.   
GS Đỗ Quyết - GĐ HV Quân y (bên trái) và Ông Oto Takahiro (Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Đại học Okayama (bên phải) chia sẻ ca ghép phổi thành công trong sáng 22/2. Ảnh: ĐH

Như đã đưa tin, chiều 21/2, ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103.

Ngày 22/2, Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y cho biết, bệnh nhi Ly Chương Bình (7 tuổi, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) mắc bệnh giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi. Căn bệnh này khiến bệnh nhân luôn rơi vào tình trạng suy hô hấp trầm trọng, suy dinh dưỡng nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Học viện Quân Y đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại Hà Giang tổ chức tư vấn, tuyên truyền, vận động gia đình bệnh nhân thực hiện ca ghép phổi để cứu sống cháu bé. Kết quả là bố cháu bé, anh Ly Cù G (sinh năm 1989) và bác ruột cháu bé (sinh năm 1987) đồng ý cho một phần phổi.

Ngày 21/2, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân Y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi cho bệnh nhi.

Cũng theo GS Quyết, sau mổ, cả Bố và bác ruột- hai người cho phổi đều ổn định. Người nhận phổi hiện đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định, đang được điều trị tích cực.

GS Quyết cho hay, ghép phổi cũng như các ca ghép tạng khác đều rất rất khó, đặc biệt do phổi  là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Nó đòi hỏi phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận. Nó liên quan đến tim mạch, nhiễm khuẩn và nhiều vấn đề khác.

'Một trong những điểm rất khó đó là chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng. Bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao”, GS Quyết chia sẻ.

Trước vấn đề nhiều người lo lắng, cho phổi người bệnh có nhanh chóng hồi phục không? GS Quyết cho rằng, phổi có chức năng giãn nở nên dù cắt một phần, thậm chí chỉ còn một thuỳ phổi cũng có thể giãn nở chiếm đầy khoang ngay lập tức, thực hiện chức năng của phổi. 

Thậm chí, trong y văn khẳng định, nhiều người sau hiến một phần phổi cơ thể còn khoẻ mạnh hơn. Đặc biệt, có những người khó thở do tắc nghẽn mãn tính, phải cắt bớt một phần phổi giúp họ thở tốt hơn

“Đây là lý do chỉ sau một ngày phẫu thuật cắt một phần phổi để ghép cho bệnh nhi, cả hai người cho phổi đã khoẻ mạnh", GS Quyết nói.

Hình ảnh ca phẫu thuật ghép phổi đầu tiên thành công tại Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện 103 cung cấp

GS Quyết cho hay, đây là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người chết não” do Học viện Quân Y thực hiện.

Trong quá trình phẫu thuật, chuyên gia Nhật Bản Oto Takahiro (Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Đại học Okayama) và các bác sĩ Việt Nam đã phối hợp hết sức đồng bộ, ăn ý. Ông Oto Takahiro nhận định, các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện tốt ca phẫu thuật và những ca sau sẽ còn chất lượng hơn thế.

Từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2016, Học viện Quân y đã tích cực xây dựng đề cương nghiên cứu, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép phổi tại Bệnh viện Đại học Okayama - Nhật Bản và đón đoàn chuyên gia của nước bạn sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép phổi cho Học viện. 

Tháng 11-2016, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não”, mã số KC.10.10/16-20 thuộc Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. 

Sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất… và cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản.