Bí kíp "trốn nóng", tiết kiệm điện
Một tiếng sau bữa cơm tối, anh Đặng Văn Vĩnh (Hà Đông, Hà Nội) kêu các con tắt ti vi và quạt. Cả nhà anh sau đó đóng cửa để di chuyển xuống sân chơi của chung cư.
Một hôm khác, anh lại lấy xe máy đưa gia đình vào một trung tâm thương mại gần đó. Anh gọi đây là cách "trốn nóng 0 đồng", vừa tiết kiệm điện mà vẫn được mát, không tốn tiền.
Anh Vĩnh cho biết, cứ mùa hè là anh có động lực đi dạo hay tới trung tâm thương mại. Lý do là bởi, khoảng thời gian một tiếng đó, hầu hết các thiết bị điện trong nhà sẽ dừng hoạt động.
Mỗi tháng, cắt giảm được trung bình 20 tiếng sử dụng ti vi, điều hòa, quạt, đèn thắp sáng là gia đình anh đã tiết kiệm được kha khá.
Khi hay tin giá điện tăng thêm 3% từ tháng 5/2023, chị Thu Huyền (35 tuổi, quận Nam Từ Liêm) liên tục nhắc nhở các thành viên trong gia đình phải tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Mọi người trong gia đình chị những ngày qua dường như đã thuộc lòng khẩu hiệu "Tắt khi không cần, để khi cần có điện" hay "Tiết kiệm điện cho mình và cho mọi người"…
"Tính tôi cũng hay quên nên vừa để nhắc nhở mình, vừa để nhắc nhở các con, tôi in "khẩu hiệu" dán ở những vị trí công tắc, chân quạt, cửa tủ lạnh, cửa ra vào", chị Huyền chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm điện của gia đình.
Biết máy rửa bát là một trong số những thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất trong nhà, những ngày qua, chị Ánh Nguyệt (35 tuổi, ở huyện Hoài Đức) đã tạm dừng sử dụng thiết bị này.
Chị Nguyệt nói: "Đợt này nắng nóng cao điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tình trạng thiếu điện xảy ra ở nhiều nơi nên tôi cũng cố gắng sử dụng điện tiết kiệm một chút. Tiền điện tính lũy tiến nên mùa hè tôi ưu tiên dùng điều hòa, các thiết bị làm mát…
Hai con cũng đã nghỉ hè nên tôi để các cháu thay nhau rửa bát. Tôi vẫn nói đùa là mùa hè thì sẽ sử dụng máy rửa bát "chạy bằng cơm", cho máy 30 triệu đồng nghỉ ngơi. Cách làm này cùng với việc mở, tắt các thiết bị đúng lúc chắc chắn sẽ giúp gia đình tôi giảm được lượng điện tiêu thụ".
Anh Trần Hữu Đức (40 tuổi, quận Thanh Xuân) thường so sánh giữa lượng điện tiêu thụ mùa hè và mùa đông để cho các thành viên trong gia đình biết rằng "dùng điều hòa tốn điện thế nào".
Anh Đức nói: "Gia đình tôi ở căn chung cư rộng 75m2. Chúng tôi sử dụng bếp từ để nấu nướng cùng nhiều thiết bị khác như tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, nồi chiên không dầu trong sinh hoạt hàng ngày.
Tiền điện mùa đông thường chỉ ở mức trên dưới 300.000 đồng. Nhưng tiền điện mùa hè khi nào cũng lên tới 1.200.000 - 1.500.000 đồng/tháng. Điều này cho thấy, sử dụng điều hòa tiêu tốn rất nhiều điện năng".
Để tiết kiệm điện, thời gian này, gia đình anh Đức thường chỉ sử dụng điều hòa ở phòng khách.
"Thay vì mở 2 cái điều hòa loại 9000BTU ở 2 phòng ngủ, tôi chỉ mở 1 điều hòa ở phòng khách (loại 12000 BTU). Buổi tối, gia đình tôi cũng trải thảm nằm ghép ở phòng khách.
Ngoài ra, tôi cài đặt ứng dụng theo dõi chỉ số công tơ để biết lượng điện tiêu thụ của gia đình và có phương án tiết kiệm hợp lý", anh Đức nói.
Nhờ tiết kiệm điện từ những hành vi nhỏ nhất, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (ở Đốc Ngữ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã được cấp giấy chứng nhận "Gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu thành phố Hà Nội năm 2022".
Bà Tâm cho hay: "Nhờ chú ý tắt các thiết bị điện và tắt hẳn các nguồn điện khi không sử dụng, mở các cửa ra vào để lấy gió và ánh sáng tự nhiên vào ban ngày… tiền điện phải đóng của gia đình tôi đã giảm hơn 10% so với trước đó.
Đặc biệt, đến nay, các thành viên trong gia đình đã hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm".
Chi phí cho máy điều hòa có thể chiếm 60 - 70% hóa đơn tiền điện
Anh Nguyễn Thành, kỹ sư điện lạnh của công ty chuyên nhập khẩu điều hòa Mitsubishi cho biết, để tiết kiệm điện, các gia đình cần lựa chọn các dòng sản phẩm có công nghệ tiết kiệm điện, các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện năng, tốt nhất là chọn 5 sao hoặc sao lớn nhất, các loại đèn có hiệu suất cao...
Đặc biệt trong mùa nắng nóng, mỗi người cần sử dụng điều hòa một cách hợp lý bởi chi phí tiền điện cho máy lạnh có thể chiếm 60 - 70% hóa đơn tiền điện hằng tháng của mỗi gia đình.
Một chuyên gia của Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam cũng cho biết, sử dụng điều hòa một cách hợp lý là cách tiết kiệm điện năng hữu hiệu trong mùa hè.
Theo vị chuyên gia này, có nhiều cách tiết kiệm điện năng cho điều hòa, trong đó việc vận hành chuẩn đóng một vai trò quan trọng.
Người dùng không nên cài đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp, không mặc quần áo dày, không nên nằm đệm trong phòng điều hòa. Nhiệt độ cài trong phòng hợp lý nhất là từ 27-28 độ C. Nếu nhiệt độ và độ ẩm trong phòng quá thấp sẽ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp…
Khi sử dụng điều hòa, không được mở cửa ra vào quá nhiều lần, không mở cửa to và để những khe hở lớn, cần lấy gió tươi hợp lý để đảm bảo được sức khỏe nhưng vẫn tiết kiệm được điện năng.
Nếu cảm thấy chưa đủ lạnh các gia đình có thể dùng thêm một chiếc quạt nhỏ, không nên giảm nhiệt độ quá sâu. Tăng nhiệt độ trong nhà lên 1 độ C đồng nghĩa với việc tiết kiệm được khoảng 10% điện năng tiêu thụ.
Vệ sinh thường xuyên cho máy cũng giúp tiết kiệm năng lượng. Thông thường, cứ 2 tuần một lần nên vệ sinh phin lọc không khí trong nhà một lần, một năm vệ sinh tổng thể dàn nóng, dàn lạnh một lần.
Nếu sinh sống ở khu vực có nhiều bụi, các gia đình phải vệ sinh hai hoặc nhiều lần trong năm. Nên che nắng cho cửa sổ, rèm che bên trong không hiệu quả bằng rèm che bên ngoài.
Lời khuyên từ ngành điện
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), thời tiết nắng nóng gay gắt khiến người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa, quạt….
Lượng điện tiêu thụ công suất cao vì thế tăng, dẫn tới chi phí tiền điện cũng tăng cao, thậm chí tăng đột biến vào kỳ hóa đơn tiền điện các tháng 5, 6 hàng năm.
Từ thực trạng trên, ngành điện khuyến nghị các gia đình phương pháp sử dụng thiết bị điện đúng cách nhằm tăng tuổi thọ thiết bị cũng như tiết kiệm điện ở mức tối ưu.
Các gia đình nên:
- Sử dụng các thiết bị điện thông minh tự động tắt khi không sử dụng hoặc khi không có người trong phòng.
- Sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn truyền thống khác. Loại đèn này tiêu thụ ít điện năng hơn so với đèn huỳnh quang và có tuổi thọ cao hơn.
- Tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện (buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 22h00).
- Chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/tiet-kiem-dien-ngay-he-tron-nong-0-dong-su-dung-may-chay-bang-com-20230602235622934.htm