Không ai lý giải được những cậu ấm, cô chiêu đang trong độ tuổi cắp sách đến trường, thường ngày tâm tính vốn hiền lành, ngoan ngoãn, biết nghe lời và vâng lời bỗng chốc biến thành những kẻ không còn nhân tính. Thậm chí có vụ, hung thủ nhí còn cẩn thận nghiên cứu quy luật đi lại, thói quen sinh hoạt của nạn nhân và lên kế hoạch sát hại nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Rõ ràng đó không chỉ đơn thuần là phản ứng bộc phát hoặc lỡ tay tước đi mạng sống của người từng mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục, nuôi mình lớn khôn.
Sau mỗi lần xảy ra vụ việc đau lòng, động cơ gây án của thủ phạm đều được cơ quan chức năng làm rõ. Điều đó là cần thiết song dường như vẫn chưa đủ. Vì lẽ gì một đứa trẻ vốn trong sáng lúc vừa lọt lòng mẹ lại dễ dàng biến thành kẻ sát nhân máu lạnh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường? Trong hầu hết các vụ án, trước khi phạm tội, sát thủ nhí là nạn nhân của người lớn, của chính bố mẹ và những người trực tiếp nuôi dưỡng các em.
Nhiều em ngay từ nhỏ thường xuyên chứng kiến và bị chính bố mẹ, người thân trong gia đình bạo hành. Không ít trường hợp tuy được sinh ra trong gia đình có điều kiện về kinh tế, được bố mẹ dành cho mọi thứ tốt nhất nhưng các em lại cô độc trong chính tổ ấm của mình, mặc sức bố mẹ nhào nặn theo ý muốn chủ quan của người lớn, cho dù bản thân các em không muốn.
Nhiều phụ huynh “ném” điện thoại cho con mỗi lúc trẻ quấy khóc, mè nheo, dễ dãi giao con cho mấy kênh YouTube, TikTok “quản” giúp để rảnh tay làm việc khác mà chẳng lường được hậu quả. Mải miết mưu sinh hoặc ích kỷ vùi mình vào thú vui riêng, nhiều bậc cha mẹ bỏ quên con trẻ đang tuổi lớn, tuổi học đòi, để các em tự do trên không gian ảo với đủ thứ sản phẩm độc hại.
Chính những bất ổn về cách hành xử, những lề lối giáo dục sai lầm… trong không ít gia đình góp phần tạo ra những bi kịch đắng lòng.
Giáo sư Steven Pinker (Đại học Harvard, Mỹ) đã có lí khi so sánh đứa trẻ sơ sinh như một hạt giống. Tất cả những gì cha mẹ phải làm là đặt hạt giống ở nơi có ánh sáng mặt trời, tưới nước thường xuyên, cắt tỉa cành lá, chăm sóc. Miễn là những công việc phụ trợ này được thực hiện tốt và có một môi trường thích hợp để sinh trưởng thì hạt giống sẽ phát triển thành cây xanh giúp ích cho đời.
Là người gieo trồng “hạt giống”, bố mẹ cần hiểu con mình và tạo ra một môi trường sống giàu tình yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia để những hạt giống nhân cách ấy tươi xanh, tỏa bóng...