Tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc bị cả Mỹ và Nga 'bắt làm con tin' như thế nào?

TPO - Theo các bản tin, việc Trung Quốc có thể tiếp quản một nhà sản xuất động cơ phản lực của Ukraine, công ty Motor Sich, đã vấp phải rào cản khi chính phủ Mỹ và Ukraine “ném cờ lê vào cỗ máy”, hay nói cách khác là bí mật ngăn cản thương vụ này.
Một động cơ do Motor Sich chế tạo. Công nghệ động cơ của họ là thứ Trung Quốc thèm muốn.

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng khan hiếm động cơ chất lượng cao để trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình “con cưng” J-20 của họ. Để khắc phục vấn đề này, họ đã một lần nữa nhòm ngó sang Ukraine, nước đã nhiều lần bán công nghệ quân sự cho Bắc Kinh, và lần này mục tiêu là Motor Sich, công ty có trụ sở chính tại Zaporizhzhia, Ukraine. Mục tiêu của Trung Quốc là mua lại công ty này.

Nếu Bắc Kinh thành công trong việc tiếp quản công ty, họ sẽ có được một công nghệ quốc phòng quan trọng đã khiến họ phải khổ sở trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, Washington và Kyev đã ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc, theo Euronews, một trong những cổng thông tin hàng đầu của châu Âu.

Máy bay chiến đấu Chengdu J-20 thế hệ thứ năm của Trung Quốc tự hào có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, tiết diện phản xạ radar nhỏ và các tính năng hiện đại khác, có thể cạnh tranh với các chiến đấu cơ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc không có khả năng thiết kế và chế tạo động cơ phản lực mạnh mẽ và đáng tin cậy đã chứng tỏ một bất lợi lớn, buộc nước này phải dựa vào công nghệ động cơ hàng không và động cơ nhập khẩu từ Nga.

Trong khi đó, Motor Sich, nhà sản xuất động cơ Ukraine, được coi là doanh nghiệp sản xuất động cơ hàng không lớn nhất đã hoạt động từ thời Liên Xô. Họ sản xuất động cơ cho tên lửa, trực thăng và máy bay phản lực.

Motor Sich có lẽ là một trong số ít công ty trên thế giới có thể tự mình thiết kế và chế tạo một động cơ mới từ trước tới nay.

Theo báo cáo, Motor Sich sản xuất 28 loại động cơ khác nhau, được lắp trên các loại trực thăng của Liên Xô và Nga như Mi- (Mil Mi-2, Mil Mi-8/17, và các biến thể Mil Mi-24, Mi-28), trực thăng Kamov (Ka -27/32, Ka-52), các vận tải cơ Antonov An-26, An-72, An-74, An-124 Ruslan và An-225 (Mriya).

Một số động cơ quan trọng trong danh mục đầu tư của công ty bao gồm Progress D-18T, trang bị cho vận tải cơ chiến lược Antonov An-124 và An-225, động cơ Ivchenko AI-25 trang bị cho các máy bay huấn luyện, trong đó có loại AVIC Hongdu JL-8 của Trung Quốc.

Tiềm lực chiến lược và kỹ thuật của công ty Motor Sich là vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia của Ukraine.

Trong khi Nga đã cung cấp cho Trung Quốc một số lượng lớn động cơ máy bay chiến đấu, Moscow đã từ chối chia sẻ công nghệ động cơ máy bay chiến đấu của họ.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh đã bị bất ngờ trước sự miễn cưỡng của Moscow trong việc cung cấp trực tiếp động cơ máy bay chiến đấu. Thay vào đó, Nga muốn bán máy bay cho Trung Quốc do lịch sử thiết kế đảo ngược, nói cách khác là sao chép của Trung Quốc.

Điều này có thể đã buộc Trung Quốc phải tiếp quản công ty Ukraine, nhưng việc này hiện đang gặp trở ngại. Người ta tin rằng Ukraine không muốn để mất một doanh nghiệp quan trọng chiến lược vào tay Trung Quốc và Mỹ không hề muốn Trung Quốc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng động cơ phản lực của họ.

“Vấn đề này đang được tất cả các quốc gia đồng minh lớn theo dõi rất chặt chẽ”, một số quan chức tình báo phương Tây nói với Breaking Defense, một tạp chí kỹ thuật số về chiến lược, chính trị và công nghệ quốc phòng. “Việc này không có lợi ích gì cho chúng tôi”.

Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ thay thế động cơ AL-31F của Nga, vốn được trang bị cho tiêm kích tàng hình J-20 của họ, bằng phiên bản nâng cấp của động cơ WS-10 sản xuất trong nước. Theo phía Trung Quốc, các kỹ sư máy bay của họ nhận thấy động cơ WS-10C được chế tạo trong nước có khả năng tương đương với động cơ AL-31F do Nga sản xuất. Tuy nhiên, khi Trung Quốc vẫn đang phải tìm lời giải bài toán ở Ukraine thì nhận định này xem ra cũng khó mà tin được.