Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh:
Tiếc nhất là để lỡ mất người!
Ngôi nhà mặt đường 155 phố Chùa Hàng, quận Lê Chân là nơi sinh sống của một trong những cái tên sáng giá đất Hải Phòng (HP). "Hải Phòng như con tàu chở đầy thuốc nổ" - câu thơ viết 42 năm trước, khi quê hương đang chiến tranh, là một trong các câu thơ hay nhất về HP của đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh (Đào Nguyễn).
Ngậm píp thường trực, tóc và râu bạc trắng, Đào Trọng Khánh mặc đồ trắng, lừng lững đứng trước cổng đón khách. Hoa ngọc long nở trắng, lên kín hàng rào sắt. Khoảng sân nhỏ chật cây: Trúc Nhật, mai tứ quý, lộc vừng đưa người vào phòng khách có trần cao ngất. Loắng quắng dưới chân ông chủ là con chó trắng nhỏ xíu, gọi là "cô Bông". Chiếc TV LG 42 inches cùng bộ đầu đĩa biến nơi đây thành "phòng chiếu/ duyệt phim mini", mà Đào Trọng Khánh thường xuyên được đồng nghiệp, đàn em chia sẻ tác phẩm, nhờ góp ý... Căn nhà 50m2 bốn tầng ngồn ngộn sách, tranh, bình gốm, các chậu cây cảnh dọc cầu thang lên tới các phòng. Khổ người "vuông" 1m70, 80kg, ông dẫn tôi thăm nhà. Ông có bộ sưu tập tranh trong đó có tranh Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Phòng ngủ của ông cũng là nơi làm việc và thư phòng, sách kín bốn bức tường, tủ đứng không chứa quần áo, mà... chật sách. Sách "bao vây" quanh giường, "Tôi thích thế, với tay là lấy được sách, có khi nằm đọc cả đêm". Đặc biệt, thư phòng Đào Trọng Khánh có treo 2 bảo vật: Chữ Tình của nhà thư pháp Âu Dương Tùng (TQ) và ký họa chân dung Nguyễn Tuân của Văn Cao, phía sau có bút tích Nguyễn Tuân.
Về hưu từ năm 2000, sống tại quê nhà, ông "ở ẩn" thật sao?
Hà Nội và HP đều gắn bó với tôi. Căn phòng tầng ba khu tập thể điện ảnh 221 Hoàng Hoa Thám tôi vẫn giữ. Hà Nội rất nhiều bạn bè, gần đây lên đó tôi phải "giấu", vì bạn mà gọi rủ đi uống rượu thì khó chối từ. Bà nhà muốn tôi thực sự nghỉ ngơi, cũng vì nhiều bệnh rồi. Tôi có con gái út sống ở HN, hai đứa cháu ngoại rất yêu ông. Khó "ở ẩn" lắm.
Yêu thơ, làm thơ hay và gần gũi nhiều nhà văn, nhưng ông chưa làm nhiều phim về họ?
Tôi đã làm Con mắt Nguyên Hồng, Bến Xuân (Văn Cao), Lửa thiêng (Huy Cận). Tôi cực kỳ ân hận vì để lỡ nhiều lần chưa làm phim về Nguyễn Tuân, Kim Lân, Trần Dần, Phùng Quán. Kịch bản Đèn ai thắp sáng về Hoàng Cầm viết rồi, thi sĩ sẵn sàng cho quay, lại việc nọ việc kia mà bẵng đi. Đời thật ngắn, mà quá nhiều thứ đáng làm. Có những cái lỡ không sửa được, nói như Nguyễn Thị Hiền (họa sĩ), cái "mất" có thể trôi đi, nhưng cái "lỡ" còn day dứt trong ta như món nợ. Về phim chân dung các nhà văn, lỗi tại tôi, bao nhiêu lần gặp các cụ, chỉ mải uống rượu, chuyện trò mà không ghi hình lại. Điều đáng tiếc nhất trên đời là để lỡ mất người!
Giờ thì tôi đang hồi tâm để soạn tư liệu, tôi muốn viết về ý tưởng, tư liệu, băng gốc trước khi dựng của những bộ phim. Tôi lưu trữ rất nhiều tư liệu về các bộ phim và nhân vật, các bạn và chuyện quanh cuộc đời họ và tôi. Sẽ viết thành sách.
Nhiều người khi thành danh, hoặc về già, sẽ hoài niệm quá khứ, công bố thuở hàn vi. Nhưng không hiếm kẻ muốn "quên", "giấu nhẹm", "trốn biệt". Tung ra một cuốn sách hấp dẫn và giá trị như thế, ông có ngại nó sẽ gây phản ứng từ một số người?
Không phải là một, mà chắc ít nhất phải năm cuốn mới hết được các nhân vật. Bạn bè thời tôi còn lại ít dần. Không thể "khất" lịch sử những cuộc đời thêm nữa, tôi chỉ sợ sức khỏe không đủ, còn chẳng ngại gì, vì mình trung thực và hào sảng. Dù thế nào, đó cũng là quá khứ đẹp và đáng yêu. Đã trải qua, chứng kiến những đau khổ bi kịch của chính mình và bạn, đã cười mà sống và sáng tạo, thì không thể để những năm tháng quá khứ ý nghĩa kia chìm vào vùng mờ quên lãng. Tôi tin tưởng và nhờ nhà thơ Vi Thuỳ Linh bố trí thời gian ghi lại và dựng cuốn sách dài tập này cho tôi.
Ông có thể kể vài kỷ niệm về những người bạn cùng thời?
Tôi nhớ cuối 1972, và mấy người bạn văn nghệ Trần Tiến, Lưu Quang Vũ đem hai ba lô giấy ảnh Bình Minh xuống HP. Họ đi buôn, thứ này ngày đó hiếm. Sờ cuộn giấy ảnh cứng đơ, tôi quả quyết: "Hỏng rồi!". Và hỏng thật. Người ta bán cho họ loại giấy rẻ tiền, chúng dính vào nhau hết, chuyến buôn lỗ. Hồi ấy, Trần Tiến chưa sáng tác, Vũ chưa "nổi" và hay "cuội". Tất cả, như đa số các nghệ sĩ và con người ngày ấy, đói và gầy. Trong số ấy, có một nhân vật ám ảnh về cái đói, là Hưng. Gặp ai, anh cũng hỏi "Ăn cơm chưa?". Nếu bạn bảo chưa, Hưng sẽ nấu cái gì ăn tạm, hoặc mời ra quán. Nhóm chúng tôi đã cùng ăn cơm đầu ghế chợ Hôm, có lần ăn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Sau này, già và khá giả rồi, hễ gặp bạn câu đầu tiên Hưng hỏi vẫn là "Ăn cơm chưa?". Biệt hiệu suốt đời của Hưng là "Hưng đói".
Thời chiến tranh, bao cấp con người hồn nhiên, dễ tin yêu thật. Tôi nhớ có lần tới 96 phố Huế, chờ mãi không thấy Vũ, leo lên sân thượng tìm. Hóa ra ông bạn lên đó phơi quần áo mấy tiếng rồi. Cái sân thượng là chỗ phơi phóng của cả khu nhà. Vũ và Xuân Quỳnh "tán" nhau, nói chuyện thơ văn say sưa trên ấy. Ở đó có cái hay là nhìn xuống được mọi người mà không ai thấy mình làm gì! Tình yêu của đôi này hóa ra gắn nhiều đến chuyện giặt giũ. (cười giòn).
Sau này, mỗi lần Quỳnh - Vũ về HP, vợ tôi lại mua tôm rồi rang hộ cho Quỳnh đem về. Quần áo của Quỳnh Thơ, Quỳnh cho con gái tôi mặc.
Đến lúc nào, độc giả rộng rãi được đọc thơ Đào Nguyễn? Tôi và một số nghệ sĩ được đọc và biết chắc chắn nhiều cây bút chuyên nghiệp sẽ phải "choáng" vì chất hiện đại của thơ ông.
Tôi sẽ cố gắng xuất bản tập thơ cuối 2012. Tôi thích những cái hay lạ và mới. Không biết ai sẽ "choáng", song cần ra sách, cũng là cách để lưu giữ tác phẩm.
Khi nào ông thực sự "gác kiếm" với nghiệp làm phim?
Không, chưa bao giờ nghĩ tới việc dừng hẳn. Tôi nhiều đề tài, ý tưởng. Nếu có đầu tư, tôi sẽ tiếp tục làm.
Chúc ông luôn tiếp tục phim và thơ, bởi đông đảo người chờ tác phẩm Đào Trọng Khánh.
Bà Vũ Thị Mỹ 66 tuổi, vợ NSND Đào Trọng Khánh nói về bạn đời 42 năm của mình: "Hồi ấy, mẹ tôi không cho tôi lấy ông Khánh, bảo lấy nghệ sĩ rồi khổ. Bà mắng "Chỉ tại mày mê nó viết thư hay, nói giỏi chứ gì!". Sống với nhau có 4 mặt con, tôi thấy chồng tôi đâu chỉ có viết hay, nói giỏi. Đặc biệt là ông ấy cực kỳ tâm lý và chưa một lần quát mắng vợ con.