Thuyền trên hồ Tây nghiêng là người chết
> Hà Nội yêu cầu kiểm tra các nhà hàng nổi
> Chòng chành nhà nổi Hồ Tây
TPO – “Nếu con thuyền chở 200 khách trên hồ Tây bị nghiêng do sóng gió, vật cản, ít nhất vài chục người sẽ ra đi ngay lập tức” - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nói.
Tại hội nghị về tăng cường kiểm tra xử lý giải tỏa các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trước mùa mưa bão năm 2011, do Sở Giao thông Vân tải Hà Nội tổ chức sáng nay (1 - 6) ở Hà Nội, Sở Giao thông vận tải cho rằng, năm nào cũng giải tỏa, xử lý nhưng những điểm nóng vi phạm an toàn giao thông đường thủy vẫn “nóng”.
Giải tỏa rồi lại tái phạm. Sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng, thiếu sự phối hợp của chính quyền địa phương đe dọa an toàn giao thông đường thủy.
Ngay tại Hồ Tây (Hà Nội) đang có 10 bến thủy nội địa hoạt động phục vụ vui chơi, giải trí. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng ban quản lý Hồ Tây cho biết, trong 10 đơn vị đang hoạt động kinh doanh, khai thác ở Hồ Tây, tám doanh nghiệp kinh doanh du lịch vận tải, gồm 10 tàu, năm bến đợi, hai nhà nổi với hơn 100 thuyền đạp vịt.
“Tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nghiêm các phương tiện hoạt động không đảm bảo trên Hồ Tây. Ngoài ra, nên quan tâm cả yếu tố vi phạm vệ sinh môi trường trên hồ với những nhà nổi, nhà thuyền” - ông Tuấn nói.
“Tai nạn trên đường thủy thường gây hậu quả nghiêm trọng, độ thảm khốc chỉ thua tai nạn hàng không. Tai nạn đường thủy, nếu xảy ra, chắc chắn có người chết, như vụ tàu Dìn Ký vừa qua là bài học điển hình” - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nói.
Kiểm tra toàn bộ điểm khai thác cát sỏi tại Hà Nội
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy nội địa - Công an Thành phố Hà Nội, cần xử lý kiên quyết những tàu thuyền tái vi phạm bằng cách tịch thu tàu, thuyền; với những tàu thuyền vi phạm lần đầu thì thu giữ những vật dụng vi phạm như vòi hút, máy nổ…
Ông Trần Đăng Hải - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố, hiện còn hơn 200 điểm khai thác, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng như cát, sỏi, cùng 48 bến thủy nội địa, trong đó 14 bến đã hết phép.
Các điểm kinh doanh, khai thác cát sỏi chủ yếu trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống. Hà Nội cũng đang có 300 phương tiện đường thủy nội địa hoạt động như du thuyền, thuyền vịt.
Tuy nhiên, hầu hết những phương tiện này đều vi phạm điều kiện đảm bảo ATGT đường thủy như thiếu phao cứu sinh, bình cứu hỏa. Trên nhiều phương tiện, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Một số phương tiện khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Hồng và Đuống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy và luồng lạch như khu vực Xuân Xanh, Tầm Xá (Đông Anh), Dương Xá, Đặng Xá (Gia Lâm), Ninh Sở, Hồng Vân (Thường Tín)…
“Sau những đợt ra quân cao điểm, tình trạng tái phạm của các tổ chức, cá nhân vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là trên địa bàn huyện, thị xã như Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây” - ông Hải nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương - Phó trưởng phòng CSGT đường thủy nội địa - Công an thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội có 38 bến ngang sông, một bến du lịch đường sông. Kiểm tra cho thấy, nhiều bến, bãi tái vi phạm như bến Vạn Phúc, Ninh Sở (Thường Tín) và một bến ở huyện Đông Anh. Các bến này thường xuyên vi phạm nhưng vẫn chưa được giải quyết, vẫn chở người cùng phương tiện ngày ngày qua sông.
Phòng CSGT đường thủy nội địa đã bắt giữ 21 tàu với 25 đối tượng và giao về cho các quận, huyện xử lý. Tuy nhiên, việc bắt giữ tàu, thuyền vi phạm đang là “nỗi ám ảnh với thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông, bởi khó tìm chỗ đỗ, và phải liên tục cử người canh chừng” - Thượng tá Cương nói.
“Nhiều vụ gây ra hậu quả khá nghiêm trọng như vụ sạt lở đê hữu Hồng trên địa bàn phường Phúc Thịnh, thị xã Sơn Tây năm ngoái, khiến nhiều nhà bị trôi sông” - ông Cương nói.
Văn Việt