Giới chức Mỹ tuần trước thông báo, Hải quân Mỹ tránh các cuộc tập trận có thể dẫn đến căng thẳng với Bắc Kinh; việc tuần tra của tàu khu trục USS Lassen gần đảo nhân tạo bị nhiều chuyên gia cho rằng là một bước đi có thể tăng cường, thay vì thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói trong bức thư ngày 9/11 gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter rằng, cần tránh gây hiểu nhầm về mục đích của Mỹ. “Tôi tin rằng, điều quan trọng là Bộ Quốc phòng công khai làm rõ ý định pháp lý đằng sau hoạt động này và bất kỳ hoạt động nào trong tương lai với bản chất tương tự”, Reuters dẫn lời ông McCain viết trong thư.
Washington cho rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên biển Đông không đủ điều kiện để được công nhận giới hạn chủ quyền theo luật quốc tế vì trước đây chúng vẫn chìm xuống khi thủy triều lên. Trung Quốc phản ứng giận dữ với việc tàu tuần tra Mỹ gần đảo nhân tạo, cho dù Washington chưa diễn tập quân sự tại đây. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu Lassen không diễn tập quân sự thì việc đi gần đảo nhân tạo giống như việc “đi lại vô hại”, và có thể còn giúp củng cố tuyên bố của Trung Quốc về giới hạn chủ quyền quanh bãi đá này.
Ông McCain kêu gọi Bộ trưởng Carter làm rõ tàu Lassen muốn thách thức chủ quyền quá mức như thế nào và liệu tàu chiến này có hoạt động theo quy tắc về đi lại vô hại không. Đi lại vô hại là thuật ngữ được dùng khi một con tàu đi qua vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác.
Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm góc đưa ra mô tả trái ngược về hoạt động của tàu Lassen. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng, hoạt động của con tàu được gọi là “đi lại vô hại”, nhưng sau đó lại phủ nhận. Phát ngôn viên Lầu Năm góc Jeff Davis hôm 4/11 nói rằng, hoạt động tuần tra này không phải việc “đi lại vô hại”, nhưng khi được hỏi thêm vào ngày hôm sau, Phát ngôn viên này từ chối nói lại hay nói cụ thể hơn về quan điểm này. Phát ngôn viên cho biết, Lầu Năm Góc chưa trả lời thư của ông McCain.