Tuy nhiên, thông tin tình báo được giữ chặt chẽ đến mức nó chỉ được chia sẻ với một số ít đồng minh, gồm các quan chức cấp cao của Anh, chứ không phải ở cấp độ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rộng lớn hơn.
Một số quan chức NATO thất vọng
Các nguồn tin cho biết, phía Mỹ không rõ chính xác khi nào Prigozhin sẽ hành động. Nhưng có vẻ như ông này đã quyết định xúc tiến kế hoạch của mình sau tuyên bố ngày 10/6 của Bộ Quốc phòng Nga rằng tất cả các công ty quân sự tư nhân, gồm cả Wagner, sẽ buộc phải ký hợp đồng với quân đội Nga bắt đầu từ tháng 7 và về cơ bản sẽ được Bộ Quốc phòng Nga tiếp quản.
Thông tin tình báo bí mật đến mức ở Mỹ chỉ được thông báo cho các quan chức cấp cao nhất của chính quyền và 8 lãnh đạo của Quốc hội - những người có quyền tiếp cận các vấn đề tình báo nhạy cảm nhất.
Bí mật xung quanh thông tin tình báo là lý do tại sao một số quan chức cấp cao của châu Âu, thậm chí cả các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ đã mất cảnh giác trước cuộc tấn công của Prigozhin vào thứ Sáu tuần trước, và tốc độ mà lực lượng Wagner tiến vào Rostov-on-Don và hướng tới Mátxcơva vào sáng thứ Bảy, các nguồn tin cho biết.
Một người quen thuộc với giới tình báo cho biết: “Đó là một sự nắm giữ thông tin cực kỳ chặt chẽ”. Một số quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bày tỏ sự thất vọng vì thông tin tình báo không được chia sẻ. Nhưng làm như vậy sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến các nguồn và phương pháp cực kỳ nhạy cảm, các nguồn tin giải thích.
Giới chức Ukraine cũng không được thông báo trước về thông tin tình báo, chủ yếu là do lo ngại rằng các cuộc trò chuyện giữa các quan chức Mỹ và Ukraine có thể bị đối phương nghe lén.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành nhiều ngày sau khi cuộc nổi dậy thất bại để nói chuyện với các đồng minh, bao gồm các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Anh và Canada, cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong các cuộc trò chuyện đó, ông đã chia sẻ những thông tin mà Mỹ có về cuộc nổi dậy để đảm bảo các nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn về những gì tình báo Mỹ đã biết.
Sự bất mãn của ông trùm
Cuộc nổi dậy của Prigozhin không phải tự nhiên mà có. Các quan chức Mỹ đã theo dõi sự bất mãn ngày càng tăng của ông này với Bộ Quốc phòng Nga trong nhiều tháng và ghi nhận khi các mối đe dọa được trao đổi qua lại giữa họ.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đang tích trữ vũ khí, đạn dược dẫn đến cuộc nổi loạn, CNN đưa tin.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner của bang Virginia, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói rằng cuộc nổi dậy của Prigozhin “gần như ẩn mình trong tầm mắt”. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên đối với các quan chức tình báo Mỹ là Wagner phải đối mặt với rất ít sự kháng cự.
“Ông Putin của 10 năm trước sẽ không bao giờ cho phép điều này diễn ra theo cách nó đã xảy ra”, Thượng nghị sĩ Warner nói trên chương trình “Inside Politics” của CNN. Theo ông Warner, Tổng thống Nga “rõ ràng đã yếu đi”.
“Thực tế là bạn có một nhóm lính đánh thuê, mà tôi không nghĩ là có đến 25.000 quân như Prigozhin tuyên bố, nhưng lại có thể hành quân vào Rostov, một thành phố có hàng triệu dân, nơi có sở chỉ huy kiểm soát toàn bộ cuộc chiến ở Ukraine, và tiếp quản thành phố mà hầu như không phải nổ súng. Ít nhất phải nói rằng đó là điều chưa từng có”, ông Warner nói.
Nhiều nguồn tin nói với CNN rằng, giới chức Mỹ và phương Tây tin Tổng thống Putin chỉ đơn giản là mất cảnh giác trước hành động của Prigozhin và không có thời gian để dàn quân chống lại lính đánh thuê Wagner trước khi họ giành quyền kiểm soát trụ sở quân sự ở Rostov.
Các quan chức cho rằng, ông Putin cũng có thể không muốn chuyển các nguồn lực quan trọng ra khỏi Ukraine. Tuy nhiên, họ tin rằng nếu Prigozhin cố gắng chiếm Mátxcơva hoặc Điện Kremlin, thì ông này chắc chắn sẽ thua.
Đó có thể là lý do khiến Prigozhin đồng ý đạt được thỏa thuận với Belarus và cuối cùng quay lưng lại với đội quân của mình.
Một cựu quan chức chính quyền Mỹ nói với CNN rằng, trong khi có “căng thẳng thường xuyên giữa Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga, có những thời điểm Mỹ sẽ không ngạc nhiên nếu sự căng thẳng biến thành cuộc giao tranh bạo lực nhưng cục bộ”.
Nhưng sự việc ở quy mô này không phải là thứ mà tình báo Mỹ đã dự đoán vài tuần trước.
Tổng thống Biden cho biết hôm 26/6 rằng, ông đã chỉ thị cho các thành viên trong nhóm an ninh quốc gia của mình chuẩn bị cho “một số tình huống” khi cuộc binh biến đang diễn ra.
Nhà Trắng sau đó từ chối tiết lộ về các kịch bản đó, nhưng những người quen thuộc với vấn đề này cho biết một loạt tình huống bất ngờ đã được mổ xẻ, bao gồm khả năng Prigozhin đến Mátxcơva.
Khi Prigozhin phát động cuộc nổi dậy của mình, các quan chức cấp cao của Mỹ bắt đầu đổ xô kết nối với các đồng minh, đối tác và nhắc lại một thông điệp chính rằng phương Tây nên giữ im lặng và không cho ông Putin bất kỳ cơ hội nào để đổ lỗi cho Mỹ hoặc NATO về cuộc nổi dậy.
Một cách riêng tư, các quan chức Mỹ đang củng cố với Chính phủ Nga rằng Mỹ không liên quan gì đến cuộc nổi dậy và thúc giục Nga duy trì sự an toàn, an ninh cho kho vũ khí hạt nhân của họ, các quan chức Mỹ cho biết.
Đừng lợi dụng để tấn công bên trong nước Nga
Vào thứ Bảy tuần trước, trước khi Prigozhin xuống thang, các đồng minh tiếp cận giới chức Ukraine ở một số cấp độ khác nhau, khuyên họ nên chống lại việc lợi dụng sự hỗn loạn để tấn công bên trong Nga, theo một quan chức phương Tây.
Mối lo ngại là Ukraine và phương Tây sẽ bị coi là đang giúp đỡ Prigozhin và đe dọa chủ quyền của Nga.
“Thông điệp là đừng làm xáo trộn hiện trạng ở đây”, vị quan chức này nói, đồng thời cho biết thông điệp đã được truyền đi ở cấp bộ trưởng, thứ trưởng ngoại giao, và thông qua các đại sứ.
“Đó là vấn đề nội bộ của Nga”, vị quan chức phương Tây nói và cho biết các quan chức Ukraine đã được thông báo, lặp lại những gì Mỹ và phương Tây đã nói công khai.
“Người Ukraine đã được các đồng minh cảnh báo không được khiêu khích tình hình. Tận dụng cơ hội trên lãnh thổ Ukraine nhưng đừng để bị lôi kéo vào các vấn đề nội bộ hoặc tấn công vào các khí tài quân sự mang tính tấn công bên trong nước Nga”, vị quan chức nói.
Trong cuộc xung đột, Ukraine bị nghi ngờ thực hiện ngày càng nhiều vụ tấn công bí mật xuyên biên giới và phá hoại các cơ sở quân sự của Nga, thậm chí cả một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Kremlin.
Các lực lượng Ukraine đã nã pháo vào khu vực Belgorod của Nga, gần biên giới giữa hai nước.
“Bạn chỉ không muốn đưa vào câu chuyện rằng đây là sáng kiến của chúng tôi”, vị quan chức nói. “Đó là điều mà người Nga luôn mong muốn, chứng minh rằng có những mối đe dọa đối với chủ quyền của Nga”.