Chiều 6/8, kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, bao trùm. Điều này khẳng định sự quyết tâm, sẵn sàng tiếp cận những vấn đề mới để triển khai thành công tài chính toàn diện ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tích cực tham gia vào việc thực hiện các chính sách. Người dân cần được tiếp cận tài chính toàn diện để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ngược lại, khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, người dân phải đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược.
Theo Thủ tướng, vai trò của tài chính toàn diện ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực và giải pháp tài chính phù hợp, nâng cao khả năng ứng phó, vượt qua những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, báo cáo tình hình triển khai Chiến lược gửi Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo kịp thời.
Các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước- Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ; tổ chức theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hành động của đơn vị mình để kịp thời rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng lưu ý làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về tài chính toàn diện, nhất là truyền thông để mỗi người nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng tài chính, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên.
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn triển khai chính sách về bảo hiểm vi mô; bảo lãnh tín dụng, đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách không dùng tiền mặt; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân, doanh nghiệp đối với thu, nộp thuế, phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính, trong đó có thu phí không dừng đường bộ.
Bộ Công an đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định về định danh và xác thực điện tử để có căn cứ pháp lý triển khai kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các cơ quan, tổ chức. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện.