Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không chủ quan, lơ là với thiên tai

TP - Ngày 20/6, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh nhỏ) nhấn mạnh: Thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, cực đoan, nên “phòng ngừa là chính”. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không chủ quan, lơ là, sẵn các phương án ứng phó và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước dân.
Một trận lũ gây tan hoang ở Mường La, Sơn La Ảnh: Hữu Việt

Cảnh báo thiên tai còn yếu

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư PCTT cho hay, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu. Các nghiên cứu chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu lý thuyết, khả năng ứng dụng thấp. Việc hợp tác quốc tế với các nước sông Mekong, sông Hồng còn hạn chế.

Hiện nay, mật độ trạm đo mưa ở Việt Nam chỉ khoảng 250km2/điểm, phân bố không đều, thậm chí ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có nơi lên đến 1.000km2/điểm, trong khi để đảm bảo cần từ 40-120km2/điểm (như ở Nhật Bản) hay Hàn Quốc là 25-35km2/điểm.

Nhận định về thiên tai năm 2019, Bộ trưởng NN&PTNT cho hay, nhiều diễn biến bất thường của thời tiết diễn ra ngay từ đầu năm. “Nóng, lạnh cực đoan xảy ra ngay trong 1 tháng, 1 tuần, thậm chí ngay trong 1 ngày và  chưa bao giờ thấy hoa Sữa nở trong tháng 5 tại Hà Nội, chưa bao giờ có tiết mưa ngâu trước tết Đoan Ngọ như vừa qua. Ngay trong tháng 6 này, hiện tượng hoa Lộc Vừng, hoa Vối đồng loạt nở rộ một cách trái quy luật cho thấy sự thay đổi thời tiết vô cùng phức tạp, không bình thường”, ông Cường nói.

Theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, mùa bão năm 2019 trên khu vực biển Đông có xu hướng hoạt động muộn và ít hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng đề phòng những cơn bão mạnh, quĩ đạo phức tạp. Khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó, khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Từ tháng 6-8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở mức BĐ1-BĐ2, các sông suối nhỏ trên BĐ3. Trong khi đó, lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc. Ông Thành cũng thừa nhận, đến nay dự báo định lượng mưa còn yếu. Tới đây, sẽ triển khai rộng thêm về dịch vụ mua số liệu đo mưa tự động để phục vụ tốt hơn cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Phải chịu trách nhiệm trước dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo nhận định của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia bị thiên tai đe dọa lớn nhất. Do vậy, nếu không chủ động, thiệt hại sẽ rất lớn, nặng nề. “Tinh thần của hội nghị lần này là chủ động, kịp thời hơn, hiệu quả hơn để ổn định, bảo vệ phát triển sản xuất, không để người dân nào rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do thiên tai, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Thủ tướng, công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, trên tinh thần “4 tại chỗ” đã hạn chế được thiệt hại, nhưng chỗ nào chủ quan thiệt hại vẫn rất lớn.

Theo Thủ tướng, năm 2018 dù thiên tai ít nhưng thiệt hại không nhỏ (tới 224 người chết và mất tích), mất gần 1 tỷ USD, chưa kể thiệt hại khác.

Trong khi đó, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng hạn chế. Đê biển chỉ chống chịu được cấp 9-10 trong khi bão cấp 10-12 thường xuyên xuất hiện. Nhiều khu dân cư mất an toàn, đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư, nâng cấp, thiếu khu neo đậu tàu thuyền, thoát nước đô thị không đáp ứng, gây úng ngập…

 Theo Thủ tướng, trong PCTT, chủ trương “phòng ngừa là chính”. Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, tránh bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra, từ bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở, hạn hán... Cùng đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư vào hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp về đề điều, hồ đập, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. 

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cấp quốc gia, nhất là ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất… Ban hành và triển khai bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Bộ TN&MT tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, chính xác hơn, bổ sung các trạm quan trắc, công nghệ dự báo.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT đôn đốc các địa phương hoàn thành các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ biển đã được bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng T.Ư 2018.

“Địa phương nào làm chậm, hay vì lý do nào đó chủ quan mà không triển khai thì phải xử lý kỷ luật một số trường hợp chứ không phải vào mùa mưa bão mới sửa chữa đê điều, hồ đập”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng lưu ý: “Các địa phương cần quan tâm đặc biệt tới công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ và phải chịu trách nhiệm trước dân".           

Thiệt hại 20.000 tỷ đồng

Năm 2018, dù thiên tai không dồn dập, khốc liệt, nhưng có tới 16/21 loại hình thiên tai. Nhiều thiên tai lớn, cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp cả nước. Năm qua, thiên tai làm 224 người chết và mất tích (trong đó 92 người do mưa lũ, 82 người do lũ quét, sạt lở đất...), thiệt hại ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Con số trên giảm nhiều so với năm 2017,  ước tính gần 60.000 tỷ đồng, 386 người chết và mất tích.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thiên tai cũng làm 23 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 340 tỷ đồng.

“Có tỉnh xây hồ trên đỉnh đồi, khi mưa lớn, bị vỡ gây thiệt hại lớn về người và tài sản… Cái này là do chủ quan con người, nhận thức, kiến thức, trách nhiệm còn rất thấp, thậm chí có nơi còn bừa bãi trong việc quy hoạch, ảnh hưởng đến mạng sống, tài sản của người dân”.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc