Thủ tướng Chính phủ: Bỏ ngay quan điểm 'quyền anh, quyền tôi'

TPO - Về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, Thủ tướng nêu rõ, ai làm hiệu quả hơn, bảo đảm công việc chạy nhanh hơn, tốt hơn mà vẫn làm tốt nhiệm vụ quản lý thì giao cho người đó làm. Phải bỏ ngay quan điểm “quyền anh, quyền tôi”, phải coi đây là việc chung.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Như Ý

Ngày  22/1, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị Hà Nội - một đề án có 39 đầu việc cụ thể với 11 lĩnh vực, trong đó có nhiều nội dung mới, làm thí điểm, nhiều nội dung chưa được pháp luật quy định.

Tại cuộc làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã trình bày Tờ trình Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Nội dung tập trung vào sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng Đề án; thực trạng tổ chức chính quyền Thành phố; định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình mới với mục tiêu nâng cao tính tự chủ cho chính quyền Thành phố trong các quyết định quản lý và phát triển đô thị bằng việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, thiết kế, xây dựng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong khu vực các quận tinh gọn và quản lý phù hợp, bảo đảm việc quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao, giảm bớt các tầng nấc trung gian.

Giao cho nơi làm hiệu quả hơn

Qua các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhìn nhận, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, bài bản và khoa học, nhất là “số lượng tài liệu chuẩn bị rất lớn”. Hà Nội đã kế thừa một số mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách đặc thù và đã tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới… Đề án có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, đề xuất nhiều nội dung thí điểm.

Về cơ chế phân cấp, ủy quyền, theo Thủ tướng, Hà Nội có diện tích, quy mô, mật độ dân số lớn. Thủ đô sau khi được mở rộng năm 2008 có diện tích tự nhiên lên đến 334.000 ha, lớn gấp 3 lần trước đây, đứng vào tốp 17 thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất. Hà Nội có số dân đông thứ tư trong khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo sự linh hoạt, kịp thời giải quyết các công việc thường xuyên, “cái gì Hà Nội làm tốt hơn thì nên phân cấp cho Hà Nội làm”.

Đối với các nội dung cụ thể, Thủ tướng giao từng bộ khẩn trương cùng Hà Nội xem xét từng việc trên nguyên tắc việc gì ai làm tốt hơn thì giao cho người đó làm, phải bỏ ngay quan điểm “quyền anh, quyền tôi”, phải coi đây là việc chung, vì sự nghiệp chung của Hà Nội, ai làm hiệu quả hơn, bảo đảm công việc chạy nhanh hơn, tốt hơn mà vẫn làm tốt nhiệm vụ quản lý thì giao cho người đó làm.

Theo tinh thần ấy, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội. Đồng thời, các bộ cần tăng cường hậu kiểm, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của bộ. Hà Nội cần đề cao trách nhiệm cá nhân và có cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Hà Nội cần có quyết tâm chính trị cao, không ngại khó khăn, không ngại va chạm, quyết tâm với những cơ chế chính sách thật tốt để Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ảnh: Như Ý

Thủ tướng đề nghị Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các đại biểu dự họp, tiếp tục hoàn thiện Đề án, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, vừa góp phần xây dựng Thủ đô vừa thể hiện trách nhiệm với cả nước, cùng cả nước tiến lên theo đúng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Tinh thần là có cơ chế mới của một chính quyền đô thị, có cơ chế tốt, tạo điều kiện phát triển Thủ đô”, Thủ tướng nói. Lãnh đạo Hà Nội cần có quyết tâm chính trị cao, không ngại khó khăn, không ngại va chạm, quyết tâm với những cơ chế chính sách thật tốt để Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Hai phương án thí điểm

Trước đó, Kết luận số 22-KL/TW ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung: “Đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. Tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.

Nội dung chính của Đề án là Đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp quản lý giữa Trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội trên nhiều lĩnh vực như tài chính ngân sách, kế hoạch đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, môi trường, công thương, tổ chức bộ máy và con người. Hoàn thiện phân cấp giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã để tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền thành phố, chính quyền cấp cơ sở.

Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội lựa chọn trong 2 phương án, Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (Cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn).

Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (Thành phố); 01 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 01 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Theo đánh giá của đại diện bộ phận xây dựng đề án, phương án 1 đang đạt được sự đồng thuận cao do vừa đảm bảo tính nhanh nhạy, thông suốt, gọn nhẹ. Nâng cao được tính năng động, chủ động của địa phương. Đảm bảo tính kế thừa, giữ được tương đối ổn định về mô hình tổ chức quận, huyện, thị xã, tạo sự đa dạng về tổ chức chính quyền địa phương.