Thứ trưởng Bộ Nội vụ: 'Không phải cứ học ở nước ngoài là giỏi'

TPO - Xung quanh việc 30 thạc sỹ, thủ khoa học ở nước ngoài trượt công chức Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Chúng ta không nên phân biệt là cứ tốt nghiệp nước ngoài về là giỏi, còn trong nước không giỏi”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, đã trao đổi với Hà Nội về việc 30 thạc sỹ, thủ khoa học ở nước ngoài trượt công chức và được biết họ chưa được tuyển dụng là do chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Sau khi báo chí phản ánh, tôi có trao đổi với Hà Nội thì được biết, những người chưa được tuyển dụng lần này do chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Tôi nghĩ rằng dù anh tốt nghiệp trong nước hay nước ngoài thì chúng ta cũng không nên phân biệt là cứ tốt nghiệp nước ngoài về là giỏi, còn trong nước không giỏi”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, một khi mọi người đều đã tốt nghiệp ở trình độ đại học thì cũng cần nhìn nhận họ một cách công bằng. Ví như bây giờ mình tuyển dụng thì pháp luật cũng đâu cho phép phân biệt chính quy với không chính quy. Hà Nội cũng thế thôi, qua kiểm tra chúng tôi thấy đã làm đúng quy trình, quy định thủ tục và đảm bảo nguyên tắc công bằng khách quan. 

Ông Tuấn cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình khi đọc trên mạng thấy nhiều bình luận trên mạng thiên về phản cảm và tỏ ý không đồng tình với việc để những trường hợp này bị trượt, tức là dư luận muốn những người đó phải được tuyển dụng hết. 

“Vấn đề tuyển dụng là phải phù hợp với công việc. Ví dụ như một người tốt nghiệp toán học loại giỏi nhưng đưa về làm công tác tổ chức cán bộ, trái ngành thì rất khó. Nên cái đầu tiên là lĩnh vực anh đào tạo phải phù hợp với lĩnh vực anh công tác, mới gắn với chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, có thể Hội đồng sát hạch Hà Nội khi xem xét thấy không phù hợp nên chưa tuyển dụng”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn để việc xét tuyển được công bằng, khách quan, trong quá trình sát hạch cần bổ sung quy định về quay phim, ghi âm lại nội dung phỏng vấn, sát hạch để sau này khi có ý kiến khiếu nại thì các cấp có thẩm quyền sẽ trực tiếp xem lại để đối chiếu. 

Đối với việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, ông Tuấn cho hay, việc đặt ra tỷ lệ tinh giảm biên chế đạt tỷ lệ 10% trở lên để phấn đấu. Tuy nhiên, tỷ lệ này không phải là thực hiện trong một năm mà được thực hiện trong vòng 7 năm, từ 2015 đến 2021.

Để ngăn chặn tình trạng người làm được việc nhưng không được lòng thì lại bị tinh giản, còn những người không làm được việc lại là con ông cháu cha dẫn đến được ở lại, ông Tuấn khẳng định: Tất cả mọi việc đều phải có sự thẩm định, giám sát của cơ quan cấp trên, có sự giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội khác và cả người dân. Do đó, nếu người đứng đầu mà trù dập hoặc có những vi phạm trong việc tinh giản biên chế sẽ bị xử lý.