Sau khi Tiền Phong đăng tải nhiều bài viết về việc Bộ GTVT đề xuất thu các loại phí lưu hành phương tiện cá nhân, phí bảo trì đường bộ, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi về tòa soạn.
Hầu hết ý kiến của bạn đọc chưa đồng tình với việc Bộ GTVT đề xuất thu phí. Có người cho rằng, đó là một sáng kiến không xuất phát trên lợi ích và điều kiện kinh tế thực tế của người dân.
Vì người dân nên thu phí?
“Dân ta đang có mức thu nhập quá thấp, nhưng lại đang phải gồng mình chịu nhiều khoản thuế phí. Làm gì cũng phải biết khoan sức dân, dựa trên điều kiện thực tế của người dân, chứ không thể máy móc đem chính sách của nước ngoài áp dụng vào Việt Nam...” – Một bạn đọc bình luận.
Bạn đọc Đinh Hoàng cho rằng, ở Thái Lan, nơi nổi tiếng về nạn tắc đường, kẹt xe và thu nhập cao hơn rất nhiều ở Việt Nam, nhưng mức thu cũng chỉ dừng lại ở mức tương đương khoảng 4,5 – 14 triệu đồng/năm; xe của tổ chức thì mức nộp phải gấp đôi mức của tư nhân.
“Mức phí mà Bộ GTVT đề xuất quả thực quá cao so với thu nhập của người dân” - Bạn đọc này viết.
Bạn đọc Khai Pham phân tích, cùng việc tăng dân số, tăng phương tiện, hạ tầng cơ sở của một số thành phố lớn, ý thức chấp hành luật giao thông... là vấn đề đáng nói và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông.
“Nhiều gia đình phải tằn tiện, vay mượn, chắt bóp để có một chiếc xe máy, ô tô nhằm cải thiện đời sống. Vậy bây giờ, thu phí nặng như thế, họ biết sống làm sao?” – Khai Pham đặt câu hỏi.
Nhiều người cũng băn khoăn trước đề xuất thu phí của Bộ GTVT. Bạn đọc Hoàng Bảo nêu câu hỏi: “Liệu khi thu phí như vậy sẽ tránh được ùn tắc giao thông không? Mức phí được tính trên đầu xe, vậy xe trùm mền cũng phải nộp phí, và đã nộp phí thì tội gì không đi? Xe cơ quan nhà nước không gây ùn tắc giao thông hay sao mà được miễn? Phương tiện này cũng được quan chức sử dụng hàng ngày, đi lại trên đường ầm ầm đấy thôi”.
Trong khi đó, nhiều bạn đọc cũng thắc mắc, tại sao giải quyết vấn đề giao thông ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, mà những người ở nông thôn, vùng núi cũng phải nộp?
Nhiều bạn đọc cũng thẳng thắn chỉ ra, việc Bộ GTVT đề xuất thu phí này là trái quy định.
“Phí là khoản nộp để được nhận một quyền lợi. Chẳng hạn, nộp phí cầu, đường để được đi trên cây cầu mới, con đường mới. Phí an ninh để được bảo đảm an ninh nơi cư trú, làm ăn... Không ai nộp phí để bị mất đi một quyền lợi. Nếu nộp một khoản tiền để mất đi một quyền lợi, thì đó là một khoản phạt. Vì vậy, bản chất khoản nộp mà Bộ GTVT vừa đề xuất là một khoản "phạt sử dụng phương tiện cá nhân" – Bạn đọc Trần Nhật Quang phân tích.
"Ở đây không ai chịu hậu quả nặng nề bằng người dân, vì thuế phí tăng thì sẽ phải tăng giá thành sản phẩm nhưng mấy ai quan tâm vấn đề này!!!” - Bạn đọc Namkhue viết.
"Trước thông tin Bộ GTVT sửa đổi tên Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân thành Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tự dưng tôi thấy buồn cười quá.
Như mọi người lâu nay thường hiểu, phí là một khoản tiền cần đóng khi ta sử dụng một dịch vụ cụ thể nào đó nhằm góp phần bù đắp chi phí để dịch vụ đó được duy trì tốt hơn, phục vụ lại người đóng phí.
Như vậy, tôi vẫn chưa hiểu hiện nay Bộ GTVT đã có cái dịch vụ gọi là Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân chưa? Phải có “nó” thì mới thu phí được chứ! – Bạn đọc Đinh Hoàng nêu quan điểm.
Bạn đọc Đặng Hòa Bình thì thẳng thắn: “Nếu thu phí mà không giảm ùn tắc thì trách nhiệm của Bộ trưởng giao thông đến đâu?".
Chuyện thỏi son của ngài Thứ trưởng
Cũng nằm trong vấn đề Bộ GTVT đề xuất thu phí, nhiều bạn đọc cũng gửi ý kiến phản hồi về việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông so sánh phí bảo trì đường bộ với việc mua một thỏi son.
Hầu hết ý kiến cho rằng, việc so sánh đó là khập khiễng. Nhiều bạn đọc còn thẳng thắn nêu quan điểm, thứ trưởng phải đặt địa vị vào người dân mới hiểu vấn đề.
“Sao ông Đông không so sánh với những sào ruộng rau của bà con nông dân vì ở nước ta 70% làm nông nghiệp và nếu so sánh như vậy số người cảm nhận được sự đắt rẻ, cao thấp, dễ nhận biết hơn. Còn những thỏi son mấy trăm ngàn đồng có bao nhiêu người mua nó mà biết” – Bạn đọc Hoàng Hà viết.
Bạn đọc Đỗ Trung Tuyến thì phân tích, “một thỏi son có tiền triệu cũng là thỏi son... Ông quá hiểu là không công bằng khi đánh đồng như vậy. Ăn nhiều thì mất nhiều tiền, đi nhiều đi ít cũng mất từng ấy tiền thì công bằng ở điểm nào”.
Nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi, liệu tiền phí thu được từ người dân, bao nhiêu phần trăm sẽ được đầu tư vào các công trình giao thông.
“Xin hỏi, người nông dân đầu tắt mặt tối "cưỡi" chiếc xe máy cà tàng ra đồng làm cỏ lúa có dùng “son” không? Trong lúc, lãng phí trong xây dựng đường bộ quá cao, 40% - 60%, có khi 70% - 80% ...” - Bạn đọc Thanh Nam viết.
Người dân chờ Quốc hội
Nhiều bạn đọc đã phân tích việc Bộ GTVT trình chính phủ ban hành Nghị định thu phí Hạn chế phương tiện cá nhân là sai pháp lệnh phí, lệ phí.
“Hỏi rằng Bộ GTVT có nắm được pháp lệnh phí và lệ phí hay không? Nếu không biết thì nên nghiên cứu lại và tham mưu cho đúng, cho trúng” – Triệu Thành Đạt viết.
Từ đó, nhiều người mong chờ sự phán xét của Quốc hội. Bạn đọc Nguyễn Thanh Phong đề nghị, Quốc hội hãy cân nhắc kỹ xem, liệu trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế này, người dân lấy đâu ra tiền để nộp tới 30-50 triệu/năm, và nếu không sử dụng thì phải làm gì với đống sắt đó đây. Bán ai mua?”.