Thu nhập khủng khi tách cây trồng khỏi mặt đất

TP - Sạch đang là yếu tố cạnh tranh số một trong thị trường rau, quả, do đó nhiều nhà nông Đà Lạt (Lâm Đồng) tìm cách tách cây trồng ra khỏi mặt đất, nơi có thể bị nhiễm nhiều hóa chất. Hiệu quả kinh tế của phương thức sản xuất tiên tiến này cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống.

Lợi nhuận kỷ lục từ rau thủy canh

Cách đây hai năm, thấy chất lượng rau ngày càng giảm sút, bà Nguyễn Thị Huệ (chủ nông trại của Cty Kim Bằng ở phường 7, thành phố Đà Lạt) đã chi số tiền khá lớn để cải tạo đất, thậm chí thay lớp đất bề mặt bằng lớp đất mới được chở từ nơi khác về nhưng chất lượng rau vẫn không khá hơn bao nhiêu. Học hỏi những nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Hà Lan…, bà chuyển sang phương thức trồng rau thủy canh với vốn đầu tư lên đến 1 tỷ đồng/1.000m2. Chi phí cao vì 90% nguyên vật liệu phải nhập từ nước ngoài.

Nhà kính đạt tiêu chuẩn của Israel, khung nhà bằng sắt, cao ráo, thông thoáng. Hệ thống xử lý nước tuần hoàn và những ống nước (được đặt trên giàn khung sắt có chiều cao khoảng 1m) đã được đục lỗ đủ để bỏ những khay nhỏ chứa cây giống vào. Nước được pha sẵn phân, chất dinh dưỡng với tỷ lệ nhất định theo đường ống chảy ngang qua khay chứa cây rau đủ để làm ướt rễ và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Bà Huệ trồng cà chua sọc đỏ, loại cà có giá cao nhất ở Đà Lạt.

Đa số công đoạn canh tác rau thủy canh được thực hiện tự động. Người trồng kiểm soát hoàn toàn lượng dinh dưỡng, sao cho chỉ vừa đủ nuôi cây theo những công thức có sẵn mà các công ty cung cấp giống khuyến cáo. Hệ thống phun sương làm mát sẽ tự động kích hoạt nếu nhiệt độ vượt quá mức cho phép. Mặt khác, bà Huệ cho tráng xi măng toàn bộ mặt đất để rau không bị mầm bệnh tấn công.  Nhờ vậy không phải xử lý bằng thuốc hóa học, đảm bảo quy trình sản xuất sạch 100%.

Đầu tư lớn như thế nhưng bà Huệ vẫn thất bại ở lứa rau thủy canh đầu tiên. Năng suất đã thấp, rau lại phát triển không đều, mẫu mã kém nên khó tiêu thụ, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhận ra công nghệ trồng rau mới này hoàn toàn xa lạ với những nhà nông đã trải hàng chục năm trồng rau theo kiểu truyền thống như mình, bà Huệ nhờ chuyên gia nước ngoài hướng dẫn điều chỉnh lại kỹ thuật chăm sóc và đã thành công từ lứa rau thứ hai.

Thu 5 tỷ đồng/ha

Đến nông trại của bà Huệ, ai cũng mãn nhãn với hàng ngàn luống rau tươi ngon, lá xanh mơn mởn, cây đều tăm tắp. Bà Huệ kéo một cây xà lách ra khỏi đường ống nước dinh dưỡng để lộ ra bộ rễ trắng nõn rồi nói: Vì hoàn toàn không dùng đất nên rau sạch đến mức có thể ăn ngay tại vườn mà không cần sơ chế. Người kỹ tính thì nhúng sơ rau vô nước để loại bỏ bụi li ti trong không khí. “Khi mang mẫu rau đi phân tích, các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép, dư lượng phân bón gần như bằng 0, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của Bộ Y tế ”, bà Huệ khẳng định.

“Đà Lạt - Lâm Đồng hiện có hàng trăm hécta cây trồng trên giá thể, trong đó mới có 15ha rau thủy canh. Trồng cây trên các loại giá thể dễ kiểm soát dinh dưỡng đưa vào nông sản nên kiểm soát được dư lượng, từ đó đáp ứng được đơn đặt hàng của các nhà cung ứng và phân phối khó tính. Thực tế nếu chỉ chăm chăm sản xuất sản lượng lớn theo phương thức cũ, nông dân Đà Lạt sẽ thua ngay ở thị trường trong nước”. 

Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn

Bà Huệ gửi mẫu rau cùng giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đi giới thiệu ở nhiều nơi và chỉ vài ngày sau đã có người đặt mua. Khách hàng ngày một nhiều và rất tiềm năng, bao gồm các siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn trong cả nước. Mối lo lớn nhất là thị trường tiêu thụ đã được giải tỏa, bà Huệ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích lên 2ha. 

Hơn 20 giống xà lách trồng thủy canh tại nông trại đều là giống mới cho năng suất cao, giá bán từ 35.000 - 50.000 đồng/kg (gấp 3- 4 lần so với rau cùng loại trồng trong đất), thị trường tiêu thụ ổn định nên mỗi năm bà Huệ thu khoảng 5 tỷ đồng tiền lãi/ha. Trong khi nhiều địa phương vẫn còn loay hoay với cánh đồng 50 triệu đồng/ha thì bà Huệ đã đạt mức lãi cao kỷ lục trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Cty Kim Bằng còn có 5 ha đất để làm vườn ươm và trồng cây trên giá thể. Đây cũng là phương thức canh tác hiện đại không cần đất: Cây rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn từ đó giảm đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại nhằm cho ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. 

Phương thức này giúp tiết kiệm được khoảng 40% chi phí đầu tư so với trồng rau thủy canh. Giá thể được lắp ráp 2 tầng, mỗi tầng cách nhau 1m; chất liệu để trồng cây là xơ dừa trộn với các loại phân bón dinh dưỡng.

Hiện bà Huệ đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng, nếu làm tăng ca có thể đạt 7 - 8 triệu đồng.