Đây là con số được đưa ra trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II/2015, vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố sáng nay (30/10).
Theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động Việt Nam là 4,46 triệu đồng/tháng. Nếu xét theo ngành nghề, thu nhập bình quân tháng của nhóm lãnh đạo là 7,3 triệu đồng/tháng, tiếp đến là nhóm chuyên môn kỹ thuật cao 6,5 triệu đồng/tháng, thấp nhất là nhóm lao động giản đơn chỉ 3 triệu đồng/tháng.
Theo hình thức sở hữu, lao động làm việc trong các DNNN tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất với 6,15 triệu đồng/tháng. Tiếp đến là DN có vốn nước ngoài 5,09 triệu đồng/tháng, DN ngoài nhà nước 4,99 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, trong quý II/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động giảm 435 nghìn đồng (-8,9%). Trong đó, thu nhập của lao động nữ giảm nhiều hơn nam, thành thị giảm nhiều hơn nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lương quý 2 giảm do lương quý 1 tăng nhờ thưởng tết. Ngoài ra, lao động dịch chuyển về nông thôn nhiều hơn (nhóm thu nhập thấp), khiến tổng bình quân lương cũng giảm theo.
Về lương của người lao động trong DNNN, bà Hương cho rằng, những năm gần đây lương của DNNN đã vượt khu vực DN nước ngoài. Do DNNN có quy mô lớn. Đồng thời, lao động làm trong khu vực DNNN chủ yếu lao động có bằng cấp, tay nghề cao, DN đặt ơ thành phố lớn nên lương cũng cao hơn. Ngoài ra, tổng sản phẩm tăng nhờ nhà nước tăng đầu tư, tăng giá sản phẩm… kéo theo lương tăng lên, dù chưa chắc hiệu quả đã tăng.
Trong quý II/2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, chiếm 2,42% tổng số lao động cả nước, giảm nhẹ so với quý trước.
Đáng chú ý, trong số lao động thất nghiệp, vẫn còn 199,4 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 17,4% số lao động thất nghiệp), tăng 22 nghìn người so với quý trước. Trên tổng số lao động đại học trở lên ra trường trong quý là 4,47 triệu người.