Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết:
Điểm mới của quy chế là cấu trúc và nội dung ra đề thi, với hai nhóm vấn đề: nhóm vấn đề để tốt nghiệp, và nhóm vấn đề để phân hóa học sinh vào ĐH. Vì vậy Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường lựa chọn nội dung, hướng dẫn học sinh ôn tập tốt. Phải chủ động trong việc ôn tập cho học sinh, chú trọng đề mở, tức là không dạy theo kiểu cho học sinh học thuộc lòng mà quan tâm khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn của học sinh.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị phổ biến quy chế tới tất cả lãnh đạo Phòng GD&ĐT, trường THPT, trung tâm GDTX. Trong hội nghị, chúng tôi đã liệt kê 36 điểm mới của quy chế thi THPT quốc gia so với quy chế thi tốt nghiệp THPT của mọi năm bằng văn bản rồi phát văn bản này tới từng đại biểu.
“Sở dĩ tôi nhấn mạnh việc học tập quy chế với giáo viên- học sinh các trường THPT là bởi kỳ thi THPT quốc gia năm nay có rất nhiều khác biệt so với kỳ thi tốt nghiệp THPT mọi năm”.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Sở dĩ tôi nhấn mạnh việc học tập quy chế với giáo viên – học sinh các trường THPT là bởi kỳ thi THPT quốc gia năm nay có rất nhiều khác biệt so với kỳ thi tốt nghiệp THPT mọi năm. Chẳng hạn cả thành phố sẽ có 8 cụm thi do 8 trường ĐH chủ trì, thí sinh không chỉ có học sinh Hà Nội mà gồm cả học sinh 5 tỉnh khác; Mỗi cụm thi chỉ thành lập một hội đồng, Hiệu trưởng trường ĐH làm chủ tịch hội đồng, còn Giám đốc Sở làm phó chủ tịch hội đồng, dưới hội đồng thi là có rất nhiều điểm thi, thậm chí tới hàng chục điểm thi/cụm thi, v.v...
Trong quy chế đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các cơ quan liên quan. Nhưng vẫn còn một vấn đề mà chúng tôi đang chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ GD: Tuy trường ĐH chủ trì nhưng đặt điểm thi ở những đâu thì ai là người quyết định, Sở hay trường ĐH? Quy chế cũng chỉ nói trường ĐH phối hợp với Sở GD&ĐT chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất. Tuy vậy chúng tôi cũng xác định cần phải chủ động chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi. Trước kia Hà Nội lo cho Hà Nội thì đơn giản, giờ lo cho thêm 5 tỉnh khác thì có thể không chỉ các trường THPT mà sẽ có nhiều trường THCS cũng sẽ phải tham gia làm nhiệm vụ coi thi. Trước kia các trường ĐH thuê địa điểm của các trường phổ thông ở Hà Nội, giờ thì đó là trách nhiệm của các trường phổ thông.
Nói tóm lại, chúng tôi rất sẵn sàng chuẩn bị tâm thế, các điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về đội ngũ giáo viên để trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ coi thi cũng như chấm thi trong kỳ thi này, dù chủ trì hay không chủ trì kỳ thi.
Hà Nội có tới 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Vậy những em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT mà không cần xét tuyển ĐH, CĐ có cơ hội ngồi thi ở cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì?
Việc này chúng tôi sẽ xem xét để quyết định căn cứ vào khảo sát nguyện vọng học sinh của các trường THPT. Hà Nội có 8 cụm thi rồi, nếu thêm một cụm của Sở nữa là 9, nên việc tổ chức thi cũng sẽ khá phức tạp. Nhưng vì quyền lợi của người học, nếu số lượng học sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp thôi thì Sở cũng sẵn sàng tổ chức cụm thi. Tuy nhiên số lượng học sinh có nguyện vọng cũng phải đủ nhiều, chẳng hạn đạt từ 2 phòng thi trở lên, thì chúng tôi sẽ báo cáo với UBND thành phố để xin ý kiến thành lập cụm thi.
Còn nếu chỉ có khoảng 20 em thôi vẫn tổ chức một hội đồng với đầy đủ ban bệ chủ tịch - phó chủ tịch, thư ký, bảo vệ… thì việc thành lập cụm thi riêng là không khả thi.
Cảm ơn ông!