Phải chặn đứng báo lá cải
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, ông Đinh Thế Huynh đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những kết quả và đóng góp quan trọng của nền báo chí nước nhà, của đội ngũ những người làm báo cả nước. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách lớn, đội ngũ làm báo, các cơ quan báo chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm chính trị, phát huy cao độ vai trò, chức năng của báo chí cách mạng, tuyên truyền có hiệu quả sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Ông Đinh Thế Huynh nói việc báo chí đấu tranh chống tiêu cực là mong cho cái thiện, cái tử tế, cái tốt đẹp đến với nhân dân và đất nước, chứ không thể nói tới tiêu cực theo kiểu hả hê, dửng dưng. Trong báo chí có phạm trù cấm và không cấm, nhưng cũng có phạm trù nên và không nên. Đó là lương tâm và trách nhiệm, là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. “Cướp, hiếp, giết” đều có thể xảy ra, không chỉ trong nước mà cả trên toàn thế giới. Không ai ngăn cản thông tin cái xấu, cái ác, cái độc hại, nhưng thông tin đến mức độ nào để giữ cho con người có niềm tin vào cái đẹp, cái lương thiện để sống. Hiện, có nhiều thông tin được đưa kiểu tự nhiên chủ nghĩa, có sự chạy đua về cái độc, cái ác để giành bạn đọc. Ở đây phải đặt câu hỏi về lương tâm và trách nhiệm. Mô tả những vụ cướp, giết, hiếp một cách trần trụi, vô trách nhiệm cũng là độc ác và
ích kỷ.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, hiện có tình trạng các trang thông tin đang xào xáo tin bài, ăn cướp mồ hôi, công sức, tâm lực của những người làm báo chân chính. “Tôi đề nghị kiên quyết tiếp tục xử lý những trang thông tin trá hình kiểu này. Đây là chỗ lộn xộn nhất, đau đớn nhất, khiến công chúng lầm tưởng đó là báo chí” - ông Huynh nói.
Không để nhóm lợi ích chi phối báo chí
Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết công tác bao chí năm 2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: “Trong năm 2016, Nhà nước cần có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần tuý, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”.
Về công tác báo chí năm 2015, ông Tuấn cho biết, cả nước hiện có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí và 1 hãng thông tấn quốc gia. Trong năm 2015, số lượng cơ quan báo chí in tăng 12 cơ quan, chủ yếu là các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành của các trường đại học. Nhiều cơ quan báo chí đã ra báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu thông tin nhanh của công chúng. Trong 5 năm (2011-2015), số lượng cơ quan báo chí tăng 71 cơ quan (5 báo, 66 tạp chí).
Hiện, cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ, tăng 1.500 người so với năm 2011 và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại cơ quan báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35 nghìn người, tăng hơn 3.000 người so với năm 2011.
Tại hội nghị, ông Đinh Thế Huynh đã trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên Giáo T.Ư cho 20 chuyên trang, chuyên mục, chương trình của các cơ quan báo chí, trong đó có chuyên trang “Người Lính” của báo Tiền Phong, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền báo chí năm 2015.
Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đã có tham luận đề cập nhiều vấn đề và công việc của báo chí như báo Nhân Dân với công tác tuyên truyền Đại hội Đảng, báo Quân đội Nhân dân với cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, báo Dân Trí với chủ đề Công tác xã hội - từ thiện, TTX Việt Nam với chủ đề báo chí đa nền tảng... Tham luận của báo Tiền Phong với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu thông tin của giới trẻ” đề cập nhiều vấn đề liên quan bạn đọc trẻ, từ nhu cầu thông tin, đặc điểm đọc, mối nguy cơ trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội và nêu một số suy nghĩ về cách đáp ứng thông tin tốt nhất cho đối tượng bạn đọc hết sức năng động và thạo tin này.