Nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực ngân hàng gồm: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó là việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
“Khởi động” trước phiên chất vấn và "chia lửa" với Bộ trưởng Tài chính vào sáng nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, lạm phát là vấn đề của toàn cầu hiện nay. Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang thực hiện các giải pháp để kiểm soát lạm phát.
“Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu từ thế giới, cho nên cũng chịu áp lực của lạm phát”, bà Hồng cho hay, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành về vấn đề này, trong đó có chính sách tiền tệ, tài khóa cần phải phối kết hợp chặt chẽ với nhau.
Cũng theo Thống đốc, thị trường tiền tệ là một trong những phân khúc của thị trường tài chính và chủ yếu là thị trường ngắn hạn, do sự điều hành, tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
“Trong 5 tháng vừa qua, NHNN đã theo dõi rất sát diễn biến và có những điều tiết về thanh khoản phù hợp để đưa ra những chính sách về tiền tệ như chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá và về cơ bản trong 5 tháng thì thị trường tiền tệ khá ổn định”, Thống đốc cho hay.
Tuy nhiên theo bà, trong 5 tháng vừa qua có những diễn biến trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên thị trường này cũng có rất nhiều chủ thể tham gia, trong đó có các chủ thể tham gia là các tổ chức tín dụng.
“Từ góc độ ngân hàng, hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính, khi các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động này thì điểm quan trọng nhất đó là phải kiểm soát được rủi ro. Bởi nếu như các tổ chức tín dụng tham gia các thị trường này mà không kiểm soát được rủi ro thì lúc đó sẽ không có khả năng thu hồi được những khoản đầu tư”, bà Hồng nói.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc lý giải, tổ chức tín dụng là người đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định để đảm bảo các tổ chức tín dụng phải thẩm định, thẩm tra như một khoản tín dụng để đảm bảo an toàn.
Về vai trò các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo Thống đốc, đây cũng là một hoạt động như hoạt động huy động vốn bình thường của các tổ chức tín dụng.
“Đối với người dân nắm giữ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành cũng như một khoản tiền gửi, nhưng có một thuận lợi là người dân có thể lựa chọn nếu như trái phiếu đó là trái phiếu chuyển đổi thì thay vì tiền gửi sẽ nắm giữ cổ phần của ngân hàng”, bà Hồng cho hay.