Nhiều chuyên gia tâm thần cảnh báo, Việt Nam sẽ trả giá đắt nếu chỉ ra sức tăng tốc để không bị tụt hậu về kinh tế mà quên đầu tư cho ngành y tế để bứt phá về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Trao đổi với PV Tiền Phong tại hội nghị lần thứ nhất Nhóm Đặc trách của ASEAN về Sức khỏe Tâm thần khai mạc hôm qua ở Hà Nội, TS Apichai Mongkol, Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan, cho hay nguyên nhân chính của các trường hợp tự tử xuất phát từ trầm cảm.
Có tới 2/3 bệnh nhân trầm cảm có ý nghĩ chán sống. Không điều hòa được căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc, gia đình, tình cảm, hôn nhân, học tập, quan hệ xã hội; sốc nặng do mất người thân, mất của, mất việc; bệnh tật và biến đổi trong cơ thể như bị bệnh lâu ngày, thay đổi nội tiết khi mang thai, mãn kinh, về già; sống thu mình, ngại giao tiếp, hay suy nghĩ tiêu cực về bản thân... đều có thể dẫn tới trầm cảm
Hôm qua, chia sẻ với các đồng nghiệp đến từ chín quốc gia Đông Nam Á tại hội nghị Nhóm Đặc trách ASEAN về sức khỏe tâm thần kéo dài ba ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên cho rằng các rối loạn tâm thần “ảnh hưởng đến mọi cộng đồng và mọi nhóm tuổi”.
Theo PGS.TS Trần Hữu Bình (Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm và tự sát thường đi đôi như hình với bóng; trầm cảm là một trong 10 bệnh ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nhiều nhất thế giới và, đến năm 2020, trầm cảm sẽ là nguyên nhân lớn thứ hai của gánh nặng chăm sóc sức khỏe thế giới.
Nếu lấy tỷ lệ trầm cảm ở Việt Nam ở mức thấp nhất (căn cứ một vài nghiên cứu nhỏ lẻ), cỡ 3-5%, số mắc trầm cảm hiện nay cũng đã không dưới 3-5 triệu người.
Nhưng nếu căn cứ nghiên cứu kéo dài ba năm của một dự án sức khỏe tâm thần do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) thực hiện tại TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa dự kiến kết thúc cuối tháng, tỷ lệ nghi mắc trầm cảm lên đến 18%, cao hơn nhiều ở các nước công nghiệp như Mỹ (12%), Pháp (10%), Canada (8%).
Có ý kiến cho rằng, thực tế bệnh trầm cảm ở Việt Nam còn tệ hơn thế nếu có điều tra toàn quốc theo đúng chuẩn quốc tế. Bao giờ mới làm được điều đó? Cả Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh ở Bộ Y tế Việt Nam chỉ có một người chuyên phụ trách sức khỏe tâm thần.
Trong khi đó, TS Apichai Mongkol cho PV Tiền Phong biết, Bộ Y tế Thái Lan chỉ có chín vụ, cục nhưng một trong số đó là Cục Sức khỏe Tâm thần: “Chúng tôi đầu tư mạnh cho sức khỏe tâm thần chỉ vì không muốn xã hội trả giá đắt trong tương lai”.
Nhiều sản phụ thường trải qua những “cơn buồn thoáng qua” sau sinh khoảng 3-6 ngày với những biểu hiện như chợt vui, chợt buồn hoặc tự nhiên khóc không lý do, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung. Phản ứng ấy, theo các chuyên gia tâm thần, là bình thường.
Tuy nhiên, nhiều người thân thường không để ý và để nó kéo dài, khiến sản phụ chuyển sang trầm cảm thực sự. Ngược lại, không ít người không hiểu được diễn biến tâm sinh lý tự nhiên ấy đã có phản ứng thái quá với sản phụ và cũng dễ khiến họ chuyển từ triệu chứng nhẹ sang dạng bệnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Y sỹ Huỳnh Thị Tùng, Trưởng trạm Y tế phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, cho biết, nhiều cán bộ y tế và đội ngũ cộng tác viên trong các tổ chức hội đoàn ở địa phương bỡ ngỡ: về bệnh trầm cảm. Nhưng khi đọc tờ hướng dẫn tự phát hiện trầm cảm, nhiều người thốt lên “Tôi bị trầm cảm rồi”.
Ông Bùi Phơ, Chủ tịch UBND xã Diễn Sơn (huyên Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), nói: “Bản thân tôi cũng không biết trầm cảm là sao. Gần đây, tôi mới biết để ý đến những hành vi như muốn xa lánh bạn bè, khép kín. Với các triệu chứng bất bình thường, mất ăn ngủ, hay nói nhiều, tôi nhận thấy trầm cảm ở xã có xu hướng tăng, khi dạo qua các quán cà phê trong thôn”.